Doanh nghiệp bất động sản: Thay vì chờ đợi "phép màu", hãy tự cứu mình!

Cập nhật 12/03/2014 11:34

Thị trường bất động sản đang dần hồi phục? Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đã giải ngân đến đâu? Và khi nào thị trường bất động sản tan băng? Đó là những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Song, câu trả lời dường như vẫn chưa có nhiều điểm mới.

Thị trường bất động sản đang dần hồi phục? Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đã giải ngân đến đâu? Và khi nào thị trường bất động sản tan băng? Đó là những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Song, câu trả lời dường như vẫn chưa có nhiều điểm mới.

Gói hỗ trợ chưa vực dậy thị trường bất động sản,các doanh nghiệp phải tự cứu mình.Ảnh: HOÀNG LONG

Gói 30.000 tỷ ì ạch giải ngân

Đã đi một chặng đường tương đối dài, song đến thời điểm này gói 30.000 tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản mới giải ngân được 3,6%. Tình thế này đã khiến nhà quản lý đang phải đau đầu để tìm đầu ra cho gói hỗ trợ này. Lãnh đạo Bộ Xây dựng mới đây tiếp tục đưa ra thông điệp, gói 30.000 tỷ sẽ được nới lỏng các điều kiện cho vay để người dân có thể tiếp cận.

Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến thời điểm này, có 17 DN đăng ký vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ với số tiền 1.466,5 tỷ đồng, trong đó hệ thống ngân hàng đã giải ngân cho 11 DN vay với số vốn 536,5 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình cá nhân, hiện nay các ngân hàng đã cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng.

Như vậy, nhìn tổng thể, số tiền giải ngân đối với gói hỗ trợ 30.000 tỷ cho đến thời điểm này dù đã qua chặng đường khá dài nhưng vẫn chưa đem tới niềm hy vọng.

Nhìn nhận thực tế có thể thấy gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, đó là sẽ giải ngân hoàn toàn trong vòng 36 tháng kể từ 1-6-2013. Nguyên nhân của việc chậm trễ này, cũng đã được nhắc đến nhiều lần, đó là điều kiện cho vay của ngân hàng vẫn quá khắt khe, khiến người thu nhập thấp - đối tượng chính được ưu tiên của gói hỗ trợ này - lại khó có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Tuy thế, đánh giá về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, một số chuyên gia đã đưa ra nhận định lạc quan rằng, thị trường sẽ hồi phục vào giữa năm 2014. Theo đó, năm nay và cả những năm tiếp theo, phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá trung bình đến giá thấp sẽ là phân khúc chiếm vai trò chủ đạo trên thị trường này.

Điều này cũng là mong mỏi của rất nhiều người. Bởi nếu nhìn vào mức thu nhập trung bình của người lao động, chỉ vỏn vẹn 4 - 5 triệu đồng/ tháng, thì liệu họ có cơ hội để họ sở hữu một căn nhà hay không khi mà giá nhà vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng?

Quay trở lại với gói hỗ trợ 30.000 tỷ cho thị trường bất động sản, ngay thời điểm được đề xuất đã mang tới nhiều kỳ vọng cho xã hội, vì nó hướng đến đối tượng là người thu nhập thấp (chiếm phần lớn dân số hiện nay). Song, thực tế diễn ra tới thời điểm nà đã không được như kỳ vọng.

Khách hàng tìm hiểu các dự án bất động sản đã có,nhưng giao dịch thành công không nhiều.Ảnh: HOÀNG LONG

Doanh nghiệp hãy tự cứu mình

Trong khi nhà quản lý vẫn đang loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ cho gói 30.000 tỷ đồng, thì mới đây, dư luận lại xuất hiện thêm thông tin sẽ tiếp tục có thêm gói 100.000 tỷ đồng để "tiếp sức" cho thị trường này.

Thông tin này ngay lập tức được Bộ Xây dựng lên tiếng phủ nhận. Theo khẳng định của Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng, cơ quan này không đề xuất và cũng không chủ trì nghiên cứu đề án nào liên quan đến gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản như một số thông tin trên truyền thông.

Tuy nhiên, điều này một lần nữa lại cho thấy, niềm tin của dư luận đối với gói tín dụng trị giá 30.000 tỷ đang dần bị mai một. Và rằng, kể cả khi tin đồn về gói hỗ trợ trị giá tới 100.000 tỷ đồng là sự thật đi nữa, thì tình hình cũng khó có thể sáng sủa.

Nói như vậy để thấy rằng, thị trường bất động sản không nên trông chờ nhiều từ những gói hỗ trợ, bởi nó chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Nói một cách khác, nếu các DN bất động sản không tự tìm cách cứu mình thì chẳng một ai có thể cứu được họ. Bản thân nhà làm quản lý cũng rất loay hoay nếu như hay nếu như các DN cứ trây ỳ chờ đợi "phép màu" từ những gói cứu trợ tương tự như trên.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã bày tỏ thái độ rất thẳng thắn khi cho rằng, các DN bất động sản trông chờ sự giải cứu của Nhà nước sẽ khiến chính bản thân cũng như thị trường càng thêm khó khăn, trì trệ hơn. Theo bà, một thời giá bất động sản lên cao ngất ngưởng, các DN bất động sản đã kiếm đủ lời, thì bây giờ là lúc phải trả giá.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan điểm rằng, tình trạng "bong bóng" bất động sản ở Việt Nam trong những năm trước đã đẩy giá nhà đất lên hàng cao nhất thế giới. Và một trong những cách giải quyết hữu hiệu nhất chính là làm xẹp "bong bóng" này một cách tự nhiên, nghĩa là cứ cho giá xuống, xuống đến mức người mua chấp nhận thì băng sẽ tan, thị trường sẽ hồi sinh trở lại.


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết