Doanh nghiệp bất động sản mong ngân hàng siết nợ

Cập nhật 08/04/2013 08:08

Thị trường trầm kha, doanh nghiệp ai nấy đều mong thoát khỏi bất động sản nhưng hàng không bán được, phá sản cũng không xong, thậm chí nhiều trường hợp muốn được ngân hàng siết nợ.

Thị trường trầm kha, doanh nghiệp ai nấy đều mong thoát khỏi bất động sản nhưng hàng không bán được, phá sản cũng không xong, thậm chí nhiều trường hợp muốn được ngân hàng siết nợ.

Theo Kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 5 và 6/4, bên cạnh những vấn đề về vĩ mô, nợ xấu là chỉ số phản ánh rõ nét nhất thực trạng thị trường bất động sản. Theo Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thị trường trầm lắng năm 2012 không chỉ khiến hàng vạn doanh nghiệp báo lỗ, ngừng hoạt động, giải thể mà còn để lại lượng hàng tồn kho “khủng” và gánh nặng cho năm 2013.

Số liệu từ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, năm qua 680 doanh nghiệp có nghề kinh doanh chính là bất động sản đăng ký giải thể, ngừng hoạt động, trong khi 2011 là 576 đơn vị.

Trong khi số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy Hà Nội và TP HCM tồn khoảng 20.000 căn nhà. Còn theo Quỹ đầu tư Dragon Capital, tồn kho căn hộ lên đến 70.000. Lý giải về việc có quá nhiều số liệu, Bộ Xây dựng đánh giá, thực tế có doanh nghiệp bán cho nội bộ để tiếp tục "cuộc chơi" và chính hàng tồn kho ảo này mới gây "chết" thị trường.

"Danh sách căn hộ tồn kho từ năm 2011 đến năm 2012 tiếp tục được nối dài khi lượng giao dịch gần như đóng băng. Năm 2013 con số vẫn bấp bênh trong sự chờ đợi chuyển biến của nhiều nhà đầu tư mà với nhiều người có lẽ bất động sản còn gặp khó", Bộ Xây dựng đánh giá.

Loạn số liệu tồn kho làm chết thị trường bất động sản. Ảnh: Hoàng Lan.

Năm 2011, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 348.000 tỷ đồng, vượt hơn 1,8 lần so với con số 200.000 tỷ đồng ngân hàng công bố. Cùng với hàng loạt vụ vỡ nợ, bán tháo..., căn bệnh đói vốn của thị trường bất động sản dường như rơi vào giai đoạn trầm kha nhất. Không ít nhà đầu tư thứ cấp, nhỏ lẻ cũng đã phải ngậm đắng nuốt cay chỉ vì ôm quá nhiều nhà, đất.

"Hiện các doanh nghiệp đều mong muốn 'thoát' khỏi thị trường bất động sản nhưng hàng không bán được, mà phá sản cũng không ai cho. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn muốn được ngân hàng 'siết' nợ bất động sản với giá bằng giá trị đã định giá trước đó, vì trước đó nhà băng đã… lỡ định giá quá cao", Bộ Xây dựng cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tổng giá trị vốn chưa được khai thác ẩn chứa trong bất động sản ở các nước thuộc thế giới thứ 3 lên tới hàng nghìn tỷ USD, gấp nhiều lần tổng hỗ trợ ODA của các nước phát triển hiện dành cho các nước đang phát triển trong vòng 30 năm qua
 

Xung quanh vấn đề giải cứu địa ốc, số đông các ý kiến thống nhất cần có giải pháp tích cực mạnh tay với thị trường bất động sản. Nguyên phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bất động sản đóng băng sẽ gây hệ lụy cho nhiều ngành kinh tế và xã hội, do đó không thể để "rơi tự do" vì "Việt Nam khác Mỹ". Theo ông, cần có cái nhìn thoáng hơn vì không giải pháp nào được tất cả, không nên đặt vấn đề hy sinh cái này, cái nọ, phải chịu "đau" hay đánh đổi. "Để có bánh mỳ ngon hơn cho nay mai (trung và dài hạn) thì ngay bây giờ (trong ngắn hạn) không thể không có bánh mỳ, dù bánh mỳ này chưa ngon. Nếu không bây giờ đã chết rồi, còn sống đâu để ngày mai hưởng", ông Kiên ví von.

Các chuyên gia tính toán, ở các nước phát triển, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng lên một USD có khả năng thúc đẩy các ngành có liên quan 1,5-2 USD. Do vậy, việc phát triển bất động sản và tháo gỡ khi gặp khó khăn là điều tất yếu. Tuy nhiên, giải pháp nào cần phải được tính toán cân nhắc

Theo ông Kiên, trong điều kiện không bình thường như hiện nay cần có sự can thiệp của Nhà nước. "Vấn đề khôn ngoan là can thiệp vào khâu nào, thời điểm nào, thời gian bao lâu, nặng nhẹ đến đâu", ông nói. Khi tình hình dần trở lại bình thường thì các biện pháp can thiệp trực tiếp của Nhà nước sẽ được nhường chỗ dần cho những biện pháp theo nguyên tắc thị trường.

Còn ông Đặng Đức Thành, Ủy viên Ban chấp hành VCCI đánh giá, biện pháp tháo gỡ hàng tồn kho bất động sản như ưu đãi tín dụng bên cầu, chuyển đổi mô hình nhà, chia nhỏ căn hộ chưa chạm vào vấn đề cốt lõi của thị trường. Giải pháp hữu hiệu là phải giá thị trường khi bồi thường giải phóng mặt bằng, người mua nhà được trả góp từ 7-20 năm, với lãi suất cố định 8-10% mỗi năm, tránh cơ chế "xin"- "cho".

Tình trạng đầu cơ, mua bán “ngầm” phổ biến ở nhiều địa phương nhất là các đô thị dẫn đến thị trường bất động sản thiếu bền vững và ổn định. Giám đốc Học Viện Ngân Hàng Tô Ngọc Hưng hiến kế, không dùng ngân sách nhà nước giải cứu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trung và cao cấp để buộc họ phải hạ giá bán tạo thanh khoản cho thị trường. Chính phủ cần làm là hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng xã hội và nhà ở thương mại giá thấp, ngoài ra, cần tính tới việc đánh thuế tài sản nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản.

Bộ Xây dựng cho rằng, tất cả các giải pháp phải được Chính phủ kiểm soát tránh trường hợp tiền chảy vào túi của các chủ đầu tư. Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, cần kêu gọi dòng vốn ngoại. "Chỉ cần một tập đoàn lớn của nước ngoài đã có GDP bằng cả nước Việt Nam với hàng trăm tỷ USD. Do đó các bộ ngành phải tạo điều kiện tối đa trong đó khung pháp lý đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc mở đường cho dòng vốn vào Việt Nam", Bộ Xây dựng đánh giá.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress