Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng thừa nhận, chưa có thống kê chủ đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) “ôm” tiền khách hàng bỏ trốn, phải đợi cơ quan điều tra.
Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng thừa nhận, chưa có thống kê chủ đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) “ôm” tiền khách hàng bỏ trốn, phải đợi cơ quan điều tra.
Trong văn bản trả lời Tiền Phong về việc các chủ đầu tư dự án BĐS “ôm” tiền huy động từ khách hàng bỏ trốn, bị bắt… bỏ lại những dự án triển khai dở dang. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: “Thực hư thế nào, khi có kết luận điều tra của cơ quan thẩm quyền mới nói chính xác được”.
Trước đó, lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cũng thừa nhận, hiện chưa nắm được số liệu cụ thể các dự án BĐS có chủ đầu tư bỏ trốn, bị bắt, chậm tiến độ, dừng thi công… Vì quy định các tỉnh, thành phố phải báo cáo tiến độ dự án BĐS trên địa bàn vừa có hiệu lực từ ngày 1/10.
Với các dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong 9 tháng đầu năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký 15 dự án, với tổng số vốn 588,11 triệu USD.
Tính tới ngày 20/9/2013, cả nước có 400 dự án BĐS vốn FDI còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký hơn 48,230 tỷ USD. Tuy nhiên, khi hỏi về số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực BĐS “ôm” tiền khách hàng bỏ trốn, một lãnh đạo Cục Đầu tư Nước ngoài thừa nhận, chưa có thống kê.
“Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, chỉ nắm tổng thể, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Còn các dự án, doanh nghiệp cụ thể hoạt động ra sao đã phân cấp cho địa phương. Nên hỏi cụ thể cũng khó”, vị lãnh đạo này nói.
Thực tế Việt Nam cũng chưa có quy định nào ngăn chặn, phòng ngừa chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng rồi bỏ trốn (như trường hợp ông Edward Chi (người Mỹ gốc Hoa), TGĐ Cty Cổ phần Đầu tư Minh Việt, “ôm” 400 tỷ đồng huy động của khách hàng lặng lẽ rời Việt Nam không dấu tích). Thừa nhận thực tế đó, vị lãnh đạo này “chỉ” sang hỏi Bộ Xây dựng: “Từng lĩnh vực cụ thể phải hỏi bộ quản lý chuyên ngành”.
Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà (Bộ Xây dựng) cho biết, vừa chỉ đạo và trực tiếp làm việc với một số tỉnh, thành phố lớn để kiểm tra, rà soát xử lý các dự án BĐS.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định để khắc phục tình trạng trên (chủ đầu tư dự án BĐS chỉ được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai khi đã có bảo lãnh của tổ chức tài chính, ngân hàng…).