Sau một thời gian trầm lắng và xuống giá, đất dịch vụ lại đang lên cơn sốt tại rất nhiều địa điểm tại Hà Nội. Giá lên từng ngày, ai mua nhanh chân là thắng lớn trong khi người dân lỡ tay bán sớm thì thẫn thờ tiếc nuối.
Sau một thời gian trầm lắng và xuống giá, đất dịch vụ lại đang lên cơn sốt tại rất nhiều địa điểm tại Hà Nội. Giá lên từng ngày, ai mua nhanh chân là thắng lớn trong khi người dân lỡ tay bán sớm thì thẫn thờ tiếc nuối.
Giá lên chóng mặt
Chạy ngược xuôi và khó khăn lắm ông Hưng rút ra được hơn 200 triệu từ ngân hàng và bán vàng trong ngày cuối cùng của năm Kỷ Sửu (30 Tết). Tất cả số tiền được ông Hưng góp cùng 2 người bạn khác mua một suất đất dịch vụ 50 mét vuông tại khu Dương Nội (Hà đông, Hà Nội).
Mất khá nhiều công và tiền do huy động vốn về nhanh nhưng niềm tin của ông Hưng vào vụ đầu tư này là rất lớn.
Không phụ lòng nhà đầu tư mạo hiểm này, giá đã nhanh chóng nhích từ 670 triệu ban đầu lên 720, 850 sau đó khoảng 1 tháng. Tới thời điểm này, mức giá đã tới 1,3 tỷ đồng/50m2.
Giá tăng vọt từ hơn 13 triệu ban đầu lên gần 26 triệu đồng/m2 nhưng cả ba nhà đầu tư đều thống nhất chưa bán. Mức giá kỳ vọng là 1,5 tỷ đồng, tương đương 30 triệu đồng/m2.
Ở cách đó khoảng 10km, tại vùng cuối Hà Đông và đầu Thanh Oai, cơn sốt giá đất dịch vụ cũng chóng mặt không kém.
Cho dù vị trí trả đất dịch vụ cho người dân tại Thạch Bích chưa được xác định nhưng giá vẫn lên theo giờ. Chỉ từ sáng tới chiều, giá đã lên thêm vài trăm ngàn đồng/m2.
Bà Thịnh tại xóm Trên, Bích Hoà, Thanh Oai mừng ra mặt do gia đình giữ được suất đất dịch vụ có từ nhiều năm nay sau khi chính quyền lấy đất nông nghiệp làm Cụm công nghiệp Thanh Oai.
“Bán có phải chết không. Tính tổng cả ba nhà, nếu bán hôm đầu tuần thì đã mất 150 triệu. Ai cho số tiền này, mà làm thì cả đời cũng không dành dụm được như thế”, bà Thịnh cho biết.
Trước đó, hôm đầu tuần, bà Thịnh cùng hai gia đình chị gái và anh trai dự định bán 3 suất dịch vụ tổng cộng khoảng 90m2 cho dân buôn bất động sản ở khu vực gần đó với giá 6,4 triệu đồng/m2. Mức giá này đã cao hơn rất nhiều so với mức “20 và 30” cách đó 6 tháng đến 1 năm khi mà hai người anh khác của bà Thịnh bán ra.
Chỉ trong vòng vài hôm, giá đất dịch vụ trên giấy tại đây đã tăng thêm 1,6 triệu đồng/m2 và theo dự báo của nhiều người, giá có thể lên tới 20 triệu đồng vì “cò đăng săn rất dữ dội”, “doanh nghiệp đang có kế hoạch cắm đất trả dân” và “đất dịch vụ khu vực gần đó đã lên tới 26 triệu đồng/mét”.
Chuộng đất dịch vụ, đất đấu giá
“Mười mấy năm buôn bán đất, giờ chị chỉ tập trung vào đất dịch vụ và đất đấu giá. Đánh vào những loại này rất nhanh và vẫn an toàn. Đất thổ cư của dân chỉ là ưu tiên số 3”, bà Ngọc - một người chuyên buôn bán đất, đang sinh sống tại Thành Công, Hà Nội tiết lộ.
Theo bà Ngọc, mua đất dịch vụ để bán lại cho chính những người dân ở khu vực đó. “Những người dân mất ruộng đợt tới sẽ chỉ được đền bù tiền, không được đền bù đất. Hơn nữa, kế sinh nhai là mảnh ruộng cũng không còn và họ sẽ lao ra những khu vực kinh doanh được. Đất dịch vụ thường đẹp và giá sẽ chỉ theo chiều hướng tăng chứ khó giảm”.
Hơn nữa, theo bà Ngọc, vì là chưa thành hình thành hài hoặc chưa có vị trí nên đất dịch vụ thường khá thấp so với đất nền doanh nghiệp bán ra ở vùng lân cận.
“Nếu đất dịch vụ có giá 8 triệu, thì mức giá sau khi san ủi làm cơ sở hạ tầng sẽ khoảng 11-12 triệu/m2. Mức này thấp hơn nhiều so với mức giá 20-30 triệu/m2 gần đó. Hoặc nếu so với mức giá gốc 13 triệu cộng với chênh lệch vài triệu mà giới đầu cơ đang chào bán đất khu đô thị Thanh Hà ở cùng khu vực (đất dự án của Cienco 5 nằm ở cuối Hà Đông đầu Thanh Oai - PV) thì cũng khá hời”, bà Ngọc cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người buôn bán đất, những loại đất dịch vụ đã được xác định vị trí cụ thể (như khu Dương Nội) sẽ có giá cao hơn nhiều và được cò đất săn lùng dữ dội hơn.
Còn về đất đấu giá, theo bà Ngọc, sẽ để bán cho “nhà giầu”. Đây là những mảnh đất có vị trí đẹp nhất và được chính quyền đem ra bán để huy động vốn cho địa phương. Những người có tiền sẽ tới mua ở những vị trí này và do vậy các đợt đấu giá thường có rất nhiều người tham gia.
Chia sẻ quan điểm đầu tư này, bà Liên một người chuyên buôn đất tại Nguyễn Chí Thanh cho biết, bà cũng chuyên đầu tư vào các mảnh đất dịch vụ đã có vị trí.
Theo bà Liên, giá đất dịch vụ thường tăng nhanh hơn so với các loại đất khác là do mức giá “hợp lý” và những cơ sở hạ tầng ở khu vực đó thường là rất tốt. “Chẳng hạn như đất dịch vụ ở Dương Nội tăng mạnh là nhờ đường Lê Văn Lương kéo dài. Đất ở cuối Hà Đông tăng nhanh là do có một loạt dự án, đường Vành đai 4, đường cao tốc Bắc Nam Hà Tây cũ, 3 khu đô thị mới xung quanh con đường này”.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, đất khu phía Tây và Nam của Hà Nội đang ngày càng nóng lên là nhờ quy hoạch tổng thể của thủ đô sắp được phê duyệt. Dự thảo đang được thảo luận, theo đó Hà Nội sẽ có 3 đô thị vệ tinh là Hoà Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai và 3 đô thị sinh thái là Quốc Oai, Chương Mỹ và Phúc Thọ.
Các vùng đất nằm trong phạm vi vành đai 2 thì đã rất đắt, trong vành đai 3 cũng cao ngất ngưởng. Cho nên, đất thuộc vùng lân cận vành đài 4 đang được quan tâm đặc biệt.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet