Tạo điểm nhấn không gian đô thị ở các vùng ngoại thành nhằm phát triển kinh tế xã hội đang là bài toán khó. Tuy nhiên, ở Sóc Sơn ngoài việc phát triển các khu công nghiệp...
Tạo điểm nhấn không gian đô thị ở các vùng ngoại thành nhằm phát triển kinh tế xã hội đang là bài toán khó. Tuy nhiên, ở Sóc Sơn ngoài việc phát triển các khu công nghiệp, đô thị mới lại đang có hướng mở là mô hình đô thị nông nghiệp với việc trồng hoa và cây cảnh cao cấp.
Nói đến hoa, nhiều người nghĩ đến vựa hoa ở MêLinh, Từ Liêm, song theo thống kê, trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện cũng có hơn 160 ha diện tích trồng hoa bao gồm hoa nhài và các loại hoa khác. Một cán bộ của huyện Sóc Sơn cho biết, tại đây, người ta đang nghĩ đến chuyện đầu tư cho mô hình hoa và cây cảnh. Bản thân gia đình anh cũng đã thuê nhân công đổ hàng loạt các chậu cảnh để ươm giống…
Tuy nhiên, cái khó ở huyện Sóc Sơn là do cónhiều diện tích đồi gò, giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp để phát triển công nghiệp…
Ngoài ra, nông dân ở khu vực này có thu nhập từ dịch vụ, công nghiệp cao nên ít tha thiết với nông nghiệp. Khó khăn trong việc sản xuất hoa cao cấp là vốn đầu tư ban đầu cao, hiệu quả kinh tế của việc trồng hoa trong 1, 2 năm đầu không rõ ràng, trồng hoa có thời gian chờ thu hoạch dài ngày hơn trồng lúa, vì những nguyên nhân đó nên nhiều hộ nông dân chưa dám mạnh dạn đầu tư sản xuất. Tuy nhiên để đầu tư trang thiết bị, vật tư cho một sào hoa cao cấp chi phí từ 150 - 200 triệu đồng, không phải người nông dân nào cũng có vốn….
Việc Sóc Sơn là một trong những huyện của thành phố Hà Nội quan tâm đến việc phát triển nghề trồng hoa và coi đây như một hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả ở khu vực nông thôn là một kế hoạch liều lĩnh.
Trên địa bàn huyện Sóc Sơn mới có hơn 160 ha hoa các loại và hàng trăm vườn cây cảnh, trong đó hoa nhài 134 ha, hoa cao cấp mới chiếm diện tích rất ít, còn lại chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc... Mục tiêu của huyện là mở rộng diện tích trồng hoa cao cấp, cây cảnh lên khoảng trên 100 ha ở các xã Xuân Giang, Nội Bài... nơi sản xuất 2 vụ lúa cho năng suất kém và một phần đất lưu không (không dùng để phát triển CN, dịch vụ...) thuộc ven ngoài sân bay Nội Bài.
Ngay trong năm 2010, huyện Sóc Sơn sẽ chuyển đổi 750 ha diện tích các vùng trũng, cao hạn sản xuất lúa cho năng suất thấp sang sản xuất các cây trồng, vật nuôi cho giá trị thu nhập cao. Huyện quy hoạch hơn 20 ha sản xuất rau hữu cơ ở các xã Thanh Xuân, Đông Xuân; 10 ha trồng hoa ly, hướng dương, cúc, hoa hồng ở xã Xuân Giang; còn lại là thực hiện mô hình trang trại VAC tổng hợp theo vùng gồm chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá điêu hồng, cá rô phi đơn tính và con đặc sản ba ba, ếch, rắn... ở các xã Phú Cường, Bắc Sơn, Nam Sơn, Tân Hưng, Việt Long, Quyết Tiến... Thực tế, các mô hình trồng hoa cao cấp đạt giá trị thu nhập 100 triệu đồng/sào/năm; các trang trại tổng hợp đạt giá trị thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm.
Cùng sự phát triển quần thể du lịch sinh thái, tâm linh với điểm đến là Học viện phật giáo Việt Nam, Chùa Non Nước… thì mô hình đô thị nông nghiệp kể trên sẽ thêm sức hút cho du khách thập phương tìm đến với Sóc Sơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị