Đô thị hóa với phát triển bền vững

Cập nhật 26/03/2015 14:33

Để thúc đẩy đô thị xanh, ngoài vai trò của Nhà nước không thể không nhắc tới các DN trong vai trò chủ thể tham gia đầu tư, phát triển các dự án, công trình hạ tầng nói chung.

Để thúc đẩy đô thị xanh, ngoài vai trò của Nhà nước không thể không nhắc tới các DN trong vai trò chủ thể tham gia đầu tư, phát triển các dự án, công trình hạ tầng nói chung.

Xanh hóa các khu đô thị nhằm tiết kiệm tài nguyên năng lượng, nước đã trở nên phổ biến ở nhiều nước tiên tiến. Nhưng tại Việt Nam, khái niệm này dường như vẫn còn khá mới với nhiều chủ đầu tư. Nếu các cư dân từng sống trong những căn nhà ống, thiếu ánh sáng và không khí sẽ cảm nhận rõ nhất về vai trò của không gian xanh với cuộc sống thị thành, trong một xã hội mà xu hướng đô thị hóa đang ngày càng lan rộng.

Ảnh minh họa

Tại Hội thảo Pháp - Việt: “Thành phố bền vững” vừa qua, bà Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đưa ra quan điểm, hiện mạng lưới đô thị quốc gia của Việt Nam đã đạt tới con số 770 đô thị. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đạt tới mức dân số 7 triệu người. Dự báo trong 10 năm tới có thể đạt 10 triệu người. Thực tế đi kèm với sự phát triển nhanh của các đô thị là nhu cầu về năng lượng và nước sẽ ngày một tăng cao. Tuy nhiên, hiện hầu hết các khu đô thị ở Việt Nam đều chưa quan tâm đúng mức đến hiệu quả sử dụng các loại tài nguyên này trong quá trình xây dựng và vận hành. Đây cũng là kết quả của quá trình đô thị hóa quá nhanh.

Nêu ra những thách thức trong quá trình đô thị hóa mà các quốc gia phải đối mặt, ông Jean Noel Poirier, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, các thành phố đang tiêu thụ 75% nguồn năng lượng thế giới và phát thải 80% lượng khí nhà kính. Song nếu biết phát triển thành phố bền vững có thể tiết kiệm được nước, năng lượng. Coi trọng cảnh quan, mặt nước, cây xanh trong phát triển đô thị bền vững cũng là quan điểm của các chuyên gia đến từ Pháp.

Và họ đều có chung cảm nhận là Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh. Thay vì phát triển theo chiều cao thì các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng. Lời khuyên được đưa ra là: Với nguy cơ biến đổi khí hậu, Việt Nam nên chuyển hướng tập trung phát triển thành phố gọn, mật độ cao, tiết kiệm năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho mọi người.

Đơn cử, Việt Nam nên quan tâm tới việc phát triển thành phố bền vững bằng cách phủ xanh công trình xây dựng, không chỉ đơn thuần là trồng cây trên mái nhà, làm tường đứng bằng cây xanh mà còn sử dụng công nghệ chiếu sáng đèn led, sử dụng năng lượng tự nhiên như tạo giếng trời đem lại ánh sáng và tạo thoáng khí tốt...

Thêm nữa, để thúc đẩy đô thị xanh, ngoài vai trò của Nhà nước không thể không nhắc tới các DN trong vai trò chủ thể tham gia đầu tư, phát triển các dự án, công trình hạ tầng nói chung. Bởi muốn có đô thị xanh, các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, chủ đầu tư các tòa nhà đó phải ứng dụng công nghệ thích hợp mới hy vọng tòa nhà đó đạt tiêu chí phát triển bền vững. Để không bị tụt hậu, tăng tính cạnh tranh cho tòa nhà, chủ đầu tư luôn cập nhật những xu hướng tiêu dùng mới, những nhu cầu mới của khách hàng, của công nghệ để ứng dụng cho các sản phẩm của mình.

Lấy ví dụ từ dự án D’. Le Pont D’or - Hoàng Cầu, đi đầu trong ứng dụng công nghệ xanh nhằm giảm thiểu các tác động của môi trường, sử dụng pin năng lượng mặt trời gắn trên bề mặt công trình giúp hấp thu ánh nắng mặt trời, vận hành cùng hệ thống tuốc-bin gió, cung cấp điện cho các thiết bị chiếu sáng công cộng, 4 tầng hầm, sảnh chung cư, hành lang…

Đó còn là không gian sống xanh với sự xuất hiện công viên rộng gần 1.600 m2 trên toàn bộ tầng mái với các khu vườn nhiệt đới như sân tập dưỡng sinh, sân vọng cảnh… đan xen là các thảm cây xanh có nhiệm vụ lọc nắng, cung cấp ô xy, giúp làm mát về mùa hè, giữ nhiệt khi trời lạnh, giảm nhu cầu sử dụng năng lượng tạo không gian sống trong lành cho cư dân của tòa nhà. Khi trồng cây trên mái sẽ giúp đô thị tăng khả năng chống ngập úng. Nước mưa thay vì trượt thẳng toàn bộ xuống, gây áp lực cho hệ thống thoát nước vốn đang quá tải, sẽ được giữ lại một phần trên mái xanh...

Theo AFP dẫn nguồn từ hệ thống các nhà khai thác điện thuộc Mạng lưới châu Âu (Entso-e) cho hay, Đức là quốc gia có công suất khai thác năng lượng mặt trời lên đến 40.000 MW và 18% lượng tiêu thụ điện năng vào năm ngoái đến từ năng lượng mặt trời cho thấy giá trị đáng kể nếu biết tận dụng thiên nhiên bắt nó phục vụ con người dù rằng đầu tư ứng dụng công nghệ xanh sẽ làm tăng chi phí ban đầu cho chủ đầu tư. Nhưng xu hướng chung là giá điện sẽ ngày càng tăng. Một tòa nhà sử dụng ít năng lượng, thì sẽ giảm được chi phí vận hành. Quan trọng hơn, khi giá điện tăng, các tòa nhà sử dụng năng lượng không hiệu quả sẽ phải chịu nhiều rủi ro về chi phí vận hành, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh so với đối thủ.

Theo một số kết quả nghiên cứu, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các công trình cao tầng ở Việt Nam tương đối lớn, có thể chiếm 10 - 40% tổng mức năng lượng sử dụng. Như vậy, nếu các chủ đầu tư tìm cách đáp ứng được tiêu chuẩn công trình xanh sẽ giúp tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn cho chính mình và xã hội.

Việc khu căn hộ cao cấp Estella, The Bridgeview của CTCP Đầu tư Nam Long nhờ sử dụng vật liệu ít tiêu tốn năng lượng cho lớp vỏ công trình, hệ thống đèn hiệu suất cao và vòi tiết kiệm nước nên có thể đạt mức tiết kiệm 20,2% đối với năng lượng, 21,7% đối với nước và 26,8% đối với vật liệu.

Lời khuyên từ các chuyên gia của Công ty Tài chính quốc tế IFC (thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) rằng, các chủ đầu tư nên đặt yêu cầu tiết kiệm năng lượng lên hàng đầu từ khâu thiết kế, lựa chọn vật liệu cho đến quản lý vận hành sau khi đưa vào hoạt động thông qua một loạt giải pháp đồng bộ ngay từ còn trong ý tưởng. Chính vì vậy, một chủ đầu tư khôn ngoan thường mời các đối tác có uy tín tư vấn hoặc chọn một đơn vị tư vấn quản lý tòa nhà chuyên nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ và kiểm soát chất lượng tòa nhà theo tiêu chuẩn quốc tế như vậy sẽ hạn chế được những chi phí không cần thiết mà vẫn có được những dịch vụ hoàn hảo.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng