Nếu cứ tiếp tục bám lấy những tư duy đã cũ nát thì 30-40 năm nữa, đô thị Việt Nam vẫn tiếp tục nhôm nhoam, hỗn độn, có khác chăng chỉ là chuyển từ trạng thái lem nhem này này sang trạng thái lem nhem khác...
“Nếu cứ tiếp tục bám lấy những tư duy đã cũ nát thì 30-40 năm nữa, đô thị Việt Nam vẫn tiếp tục nhôm nhoam, hỗn độn, có khác chăng chỉ là chuyển từ trạng thái lem nhem này này sang trạng thái lem nhem khác”.
Đó là những lời cảnh báo của các chuyên gia quy hoạch trong Hội nghị đô thị toàn quốc 2009, vừa được tổ chức tại Hà Nội.
30 ngày, “mọc” 1 đô thị
Công trường xây dựng ngổn ngang khắp nơi. Ảnh: Đ.K |
Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, qua 10 năm, đô thị Việt Nam đã có sự “phình nở” chóng mặt. Số lượng đô thị tăng từ 629 lên 754, còn dân số ở đây tăng từ 18,3 triệu lên đến gần 26 triệu người. Như vậy trung bình cứ 30 ngày, nước ta có thêm 1 đô thị và vẫn không ngừng tăng. Tính đến hết năm 2008, cả nước đã có 486 dự án khu đô thị mới có diện tích từ 20 ha trở lên, trong đó miền Bắc có 276 dự án, miền Trung có 49 dự án, miền Nam có 161 dự án.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ dân số đô thị của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 45%. Số dân sống tại đó sẽ là hơn 44 triệu người và vào năm 2050, tỷ lệ này sẽ là 80%. Tuy nhiên, trên thực tế, có đến 50% dân số đô thị đang tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Trong khi đó, tại các vùng trung du, miền núi và hải đảo, tốc độ này còn rất chậm. Sự phát triển nhanh chóng nhưng không đồng đều này đang trở thành một áp lực nặng nề đối với các đô thị như Hà Nội và TP HCM. Dù vậy, theo một tính toán khác của Viện Konrad Adenauer (Đức) tại Việt Nam thì với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, đến năm 2020, dân số đô thị sẽ là 70,84 triệu, chứ không phải là hơn 44 triệu như số liệu của Bộ Xây dựng.
Theo các chuyên gia, nếu tính toán của Viện Konrad Adenauer sát thực tế hơn thì cuộc khủng hoảng đô thị ở Việt Nam là khó tránh khỏi. Đô thị hóa nhanh trong khi cơ sở hạ tầng, đường xá, điện nước rồi diện tích nhà ở, việc làm không phát triển đồng bộ sẽ là một nguy cơ lớn. Hàng vạn người có thu nhập từ thấp đến trung bình không có nhà ở, người dân mất ruộng cho các dự án không có việc làm và đứng trước nguy cơ tái nghèo. Dòng người di cư vào thành phố kiếm việc làm do mất ruộng sẽ ngày một nhiều và sẽ ngày càng gia tăng áp lực vốn đã không hề nhỏ tại các đô thị lớn hiện nay.
Hệ lụy từ đô thị hoá
Cũng theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hoá của nước ta nhanh nhưng cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị lại chậm phát triển, thiếu đồng bộ. Một hệ lụy có thể trông thấy rõ đó là thiếu nhà ở cho dân thành thị. Theo thống kê TP HCM hiện có 300.000 người sống trong các nhà ổ chuột. Trong khi đó, ở Hà Nội, 30% dân số phải sống trong môi trường chật chội với diện tích ở không quá 3m2/người. Giao thông đô thị cũng đang ngày càng quá tải bởi theo thống kê trong các quận nội thành Hà Nội, diện tích đường chỉ chiếm 6,18%, ở ngoại thành chỉ 0,9%. TPHCM, các quận vùng Sài Gòn- Chợ Lớn cũ là khoảng 8- 14%, các quận mới chỉ có 0,2- 2,8%. Hiện nay, tình trạng ùn tắc, ô nhiễm bụi và ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng xảy ra ở cả Hà Nội và TP HCM. Luồng dân di cư vào đô thị trong một vài năm sắp tới cùng với sự bùng nổ của các phương tiện giao thông cá nhân sẽ làm cho tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn.
Đô thị phát triển nhanh nhưng đời sống người dân đô thị lại chưa được nâng cao tương xứng, chưa nói có khi còn “tệ” hơn. Ngay tại TP HCM, hiện nay người dân một số quận huyện chưa được cung cấp nguồn nước máy. Dân số, nhà cửa ngày càng “nở” ra nhưng các dịch vụ công ích như cung cấp nước phải theo kế hoạch nhất định hàng năm. Xét trên mọi phương diện, giao thông, nhà ở, môi trường, hạ tầng ở các đô thị, nhất là 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM đều đang ngổn ngang trăm mối.
GS-TS Nguyễn Lân, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra 4 tiêu chí để đánh giá phát triển đô thị bền vững là: cạnh tranh tốt, cuộc sống tốt, tài chính lành mạnh, quản lý tốt. Trong khi đó, đô thị ở nước ta lại ngổn ngang, ở đâu cũng thấy đang xây dựng dở dang, không đâu xong cả. Hiện ta vẫn còn chịu những ảnh hưởng nặng nề của những quan điểm phát triển đô thị cũ. “Học cái mới đâu có khó gì, nhưng phải chịu tiếp thu, chịu thay đổi, đừng cố bám vào cái mình đã biết”, ông Lân nói. Một chuyên gia quy hoạch khác nhận xét, đô thị nước ta hiện trong tình trạng phát triển theo kiểu “vết dầu loang”, “da báo”. Nếu không có thay đổi và thay đổi nhanh chóng thì khủng hoảng đô thị là điều không thể tránh khỏi.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình