Đỏ mắt với sổ đỏ

Cập nhật 24/11/2014 13:43

Mất hàng tỷ đồng để mua nhà nhưng phải nộp thêm khoản phí bôi trơn đáng kể nữa mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) là thực tế đang xảy ra tại nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội. Trong khi đó, tại TPHCM việc bảo vệ người mua nhà ở các dự án bị chủ đầu tư cầm cố sổ đỏ cũng đang gây tranh cãi về mặt pháp lý.

Mất hàng tỷ đồng để mua nhà nhưng phải nộp thêm khoản phí bôi trơn đáng kể nữa mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) là thực tế đang xảy ra tại nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội. Trong khi đó, tại TPHCM việc bảo vệ người mua nhà ở các dự án bị chủ đầu tư cầm cố sổ đỏ cũng đang gây tranh cãi về mặt pháp lý.

Không phí “bôi trơn” đừng mong sổ đỏ

Ông Nguyễn Văn Mỹ, cư dân sống ở T2B chung cư Euroland (Làng Việt kiều châu Âu, Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội), cho biết tháng 5-2014 ông nhận được thông báo từ phía chủ đầu tư là Công ty TSQ Việt Nam, về việc nộp 7 triệu đồng liên quan đến làm sổ đỏ. Khi ông mang tiền đến nộp, nhân viên thu 7 triệu đồng nhưng không đưa lại hóa đơn chứng từ với lý do khoản tiền này là chi phí “bôi trơn” mới được cấp sổ đỏ. Tương tự, những hộ dân mua nhà tại khu đô thị Đại Thanh muốn có sổ đỏ cũng phải nộp thêm 5,1 triệu đồng.

Có những tình huống phát sinh trong thực tiễn nếu không đột phá sẽ không giải quyết được. Người dân mua nhà, đất hợp pháp nhưng không được bàn giao, không được sở hữu, như vậy là không hợp lý. Nhưng nếu cứ căn theo quy định hiện hành chúng ta sẽ vướng. Do đó TP phải đột phá để xử lý. Trước mắt UBND TP sẽ báo cáo Thường vụ, HĐND về vấn đề này, bên cạnh đó cũng sẽ xin ý kiến Trung ương tháo gỡ. Tinh thần là trong tháng 12 tới sẽ tiến hành cấp sổ đỏ cho những trường hợp này.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP
 

Theo chị Nguyễn Lê Minh, cư dân tại tòa nhà CT6, 5,1 triệu đồng này để chi cho các việc in ấn, đo đạc diện tích, đi lại… “Sổ đỏ ai cũng muốn, đặc biệt là khi đã sống ở đây gần 2 năm. Tuy nhiên những chi phí vô lý như trên chúng tôi sẽ không nộp. Làm thủ tục để cấp sổ đỏ cho cư dân là trách nhiệm của chủ đầu tư, luật đã quy định rõ” - chị Thanh bức xúc.

Dự án N09 B2, Khu đô thị mới Dịch Vọng của chủ đầu tư CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm Lideco, cũng bị các cư dân phản ứng quyết liệt về việc phải nộp thêm 0,5% giá trị hợp đồng mới được làm sổ đỏ. Như vậy, căn hộ có giá 1 tỷ đồng, người mua phải nộp thêm từ 5 triệu đồng trở lên nếu muốn có sổ đỏ.

Tình trạng khách hàng Hà Nội phải nộp thêm phí bôi trơn nếu muốn có sổ đỏ còn diễn ra tại hàng loạt khu đô thị khác như Xa La, Văn Phú, Mễ Trì Thượng… Tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Bình), cho biết ông nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, bôi trơn trong việc cấp sổ đỏ.

Cụ thể, người dân tại khu đô thị Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói họ được gợi ý phải nộp phí bôi trơn 8 triệu đồng, ai nộp được cấp sổ ngay, ai không nộp tiếp tục… đợi. Lý giải cho việc thu 7 triệu đồng phí bôi trơn, chủ đầu tư Euroland là TSQ cho rằng người dân có thể tự làm sổ đỏ, nhưng nếu sử dụng các dịch vụ qua công ty phải trả tiền và đây là phí dịch vụ, không phải phí bôi trơn.

Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT Lideco, cũng cho rằng đây là khoản phí cần thiết để doanh nghiệp làm sổ đỏ cho khách hàng, nếu không đóng doanh nghiệp không thể làm được sổ đỏ cho cư dân.

Trên thực tế, việc người dân, doanh nghiệp gian khổ khi đi xin cấp sổ đỏ không còn xa lạ. Chính Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng thừa nhận có sự nhũng nhiễu trong việc này khiến cấp sổ đỏ cho dân chậm trễ, kéo dài. Tuy nhiên, cho đến nay việc xử lý vấn đề này rất khó khăn.

Nếu không xử lý được vấn đề này từ gốc, nghĩa là từ chính các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cấp sổ, dù có xử phạt doanh nghiệp cũng khó chấm dứt được tình trạng chây ì trong việc làm thủ tục cấp sổ đỏ cũng như vấn nạn phí bôi trơn tràn lan hiện nay.

Giải cứu sổ đỏ vướng pháp lý

Theo dự thảo Chỉ thị UBND TPHCM đang soạn thảo nhằm tháo gỡ những sổ đỏ đang bị chủ đầu tư cầm cố ngân hàng bởi việc thế chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng là quan hệ dân sự giữa 2 bên. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng bằng tài sản của mình; ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được việc sử dụng nguồn vốn vay để đảm bảo thu hồi vốn.

Không thể để người dân khi đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư nhưng không được quyền sở hữu tài sản của mình. Do đó, khi giải quyết cấp sổ đỏ trường hợp nêu trên, UBND quận, huyện thông báo cho người mua, chủ đầu tư và ngân hàng biết.

Sau 15 ngày kể từ ngày ra thông báo, nếu ngân hàng có ý kiến, UBND quận, huyện hướng dẫn ngân hàng, chủ đầu tư xử lý phần nợ và tài sản thế chấp theo hướng chỉ thế chấp phần tài sản của chủ đầu tư. Nếu ngân hàng không có ý kiến, UBND quận, huyện làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua…

Tuy nhiên, theo một số luật gia, để xử lý việc trên phải xem chủ đầu tư cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng trước hay bán cho khách hàng trước. Bởi việc nhận thế chấp tài sản của ngân hàng được pháp luật công nhận.

Về dự thảo chỉ thị trên của UBND TP, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng TP không nên ban hành những nội dung này dưới dạng chỉ thị vì không đúng quy định. Thay vào đó ban hành dưới dạng công văn, rà soát từng dự án cụ thể để xử lý. Về ý kiến TP sẽ thực hiện việc cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà, đất tại các dự án bị thế chấp, hay chuyện nợ nần giữa chủ đầu tư và ngân hàng 2 bên tự giải quyết, theo ông Bảy ngân hàng sẽ không đồng ý.

Việc giao cho UBND quận, huyện đứng ra thu hộ 5% còn lại khi tiến hành cấp giấy cho người mua là sai phạm vì UBND quận, huyện không có quyền thu và nếu thu sẽ phát sinh tranh chấp dân sự, kiện tụng mới, khiến tình hình phức tạp thêm. Thậm chí, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM, cho rằng TP sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà, đất thuộc diện này.
 


Dự án Ruby Garden (Tân Bình) bị chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng.

Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng hiện nay quy định pháp luật chưa rõ, có kẽ hở. Theo quy định của Luật Dân sự, tài sản thế chấp không được đem đi bán, cầm cố. Về phía ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc giám sát việc triển khai dự án, tài sản mà mình đã nhận thế chấp.

Do đó trong từng trường hợp cụ thể phải xem xét việc nào xảy ra trước, việc nào xảy ra sau. Nếu tài sản đã đem bán cho dân còn đem thế chấp ngân hàng, cần chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để xem có hay không hành vi lừa đảo hay lạm dụng chiếm đoạt tài sản.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư