Trên địa bàn Hà Nội hiện hệ thống nhà tái định cư (TĐC) đang thực sự bộc lộ nhiều bất ổn. Song hành cùng sự xuống cấp “thần tốc” là muôn vàn nỗi khổ mà người dân ở các khu TĐC phải chịu đựng.
Chất lượng nhà tái định cư hiện đang trong tình trạng đáng báo động.
|
Để cải thiện tình trạng yếu kém trong chất lượng nhà TĐC như hiện nay, nên chăng cần có sự “buộc” trách nhiệm đối với chủ đầu tư? |
Đáp lại những tiếng kêu cứu, những bức xúc khó giải tỏa là sự thờ ơ theo kiểu “sống chết mặc bay” của chủ đầu tư.
Muôn nỗi bức xúc
Lâu nay, hàng trăm người dân hàng ngày phải nơm nớp sống trong “chung cư lún” Đồng Tàu, thuộc phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai). Ngoài cảnh bất an khi phải sống trong những căn hộ nứt nẻ, tường vôi bong tróc, những cư dân Đồng Tàu còn phải đối mặt với vấn đề sinh hoạt “khó nói”.
Vấn đề “khó nói” ấy là chuyện những căn nhà vệ sinh tiêu thoát rất kém. Vẫn còn nguyên nỗi bức xúc về nơi “đầu ra” không ổn định như vậy, bà Quách Thị Ngân sống tại khu N7 cho biết: “Chẳng biết lúc người ta xây dựng thiết kế đường ống nhà vệ sinh ra sao mà suốt ngày tắc. Đấy là chưa nói đến chuyện tường gạch, bồn tắm… mới dùng dăm bữa, nửa tháng đã ố màu, hoen gỉ”.
Theo tìm hiểu từ phía người dân, chúng tôi được biết đa phần những hộ dân sinh sống ở Đồng Tàu nếu muốn sử dụng “như ý” căn nhà của mình, họ đều phải chi thêm hàng chục triệu đồng để cơi nới, tân trang lại mọi thứ.
“Riêng cái nhà vệ sinh, muốn dùng được phải thay hết tất cả, thậm chí là cả cái vòi nước để cho nó đỡ rỉ nước ra hàng ngày. Ấy là người ta còn có tiền mà tân trang, sắm sửa lại chứ nhà tôi thì chả lấy đâu ra tiền, có sao dùng thế vậy” – bà Ngân thật thà kể.
Với chất lượng công trình và điều kiện vệ sinh kém như vậy, cũng dễ hiểu vì sao mỗi lần hệ thống xả thải… không tự thông là nhiều ngày ròng rã bốn nhân khẩu trong gia đình bà Ngân phải cùng chịu đựng mùi xú uế tỏa ra nồng nặc.
Vấn đề đảm bảo an ninh ở các khu nhà tái định cư Đồng Tàu cũng được xếp ở mức đáng báo động. Theo tìm hiểu, chỉ tính riêng trong quãng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, khu nhà N2 đã bị “đạo chích” ghé thăm không dưới 5 lần. Và lần gần đây nhất là tháng 12/2013, trước sự lơi lỏng của bảo vệ tòa nhà, chúng đã “cuỗm” thành công chiếc xe máy trị giá trên 100 triệu của hộ gia đình ông Nguyễn Quang Khải.
Có nhiều điểm tương đồng với khu TĐC Đồng Tàu, khu TĐC Trung Hòa – Nhân Chính cũng cùng chung đơn vị quản lý là Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Theo phản ánh, dù đã trải qua quãng thời gian hơn 10 năm đưa vào sử dụng, thế nhưng khu TĐC này vẫn không có các hạng mục thiết yếu như: Trường mẫu giáo, tiểu học, trạm y tế, hệ thống phát thanh và đặc biệt là không có chợ để giao thương.
Đáng chú ý, nhìn diện mạo bề ngoài khu TĐC này không khác một khu tập thể cũ là bao. Hiện tượng tường vôi bong tróc, thấm dột, thang máy hỏng từng diễn ra phổ biến tại hầu hết các nhà như: N4, N6E, N3A…
Vẫn chưa nguôi vẻ thất vọng về căn nhà trong khu TĐC, một người dân cho biết: “Nhà hỏng chỗ nào chúng tôi đều phải bỏ tiền túi ra sửa chứ ai sửa cho. Mà nói thật, mình khiếu nại để đơn vị quản lý cử người xuống sửa chữa thì cũng chẳng đảm bảo, thôi thì cứ tự sửa cho chắc chắn”.
Trở lại với câu chuyện của khu TĐC Đồng Tàu, khu TĐC được sử dụng nhằm mục đích phục vụ công tác TĐC thuộc Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 và 2. Theo đó, các nhà cao tầng N3, N4, N7, N10, N9 có 368 căn hộ đã được UBND thành phố cho phép sử dụng để bố trí tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án thoát nước giai đoạn 2 trên địa bàn các quận, huyện Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì…
Như vậy, hẳn nhiên khu TĐC Đồng Tàu là một trong những dự án an sinh lớn. Việc đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân sau khi phát triển những công trình trọng điểm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, công tác duy tu, sửa chữa các căn nhà trong khu TĐC lại chưa được coi trọng, nếu không muốn nói là hết sức thờ ơ của Ban quản lý.
Cư dân ở đây rất phẫn nộ với sự thờ ơ, vô trách nhiệm của Ban quản lý. Như vụ “hố tử thần” sụt ngay giữa sảnh vào thang máy của tòa nhà N7, thế nhưng suốt gần 10 ngày trôi qua vẫn không thấy Ban Quản lý đả động, khắc phục.
Hố tử thần trong khu TĐC
|
Để đảm bảo an toàn, 64 hộ dân ở nhà N7 đã phải tự móc tiền túi, thuê người sửa chữa. Sự việc nền đất lún, nứt ở N7 dường như vẫn chưa dừng lại. Mới đây, ngày 15/2 cũng chính tại sảnh để xe của tòa nhà lại tiếp tục xuất hiện một hố sụt lớn sâu khoảng 25cm.
Không chỉ riêng tòa nhà N7, ở nhà N9 tình trạng cũng không khá hơn là bao. Một người dân than thở: “Nhà báo xem, cái đường dây điện loằng ngoằng, cùng với ống bơm nước hoen gỉ, nhỏ nước ra ngoài như thế kia sẽ rất nguy hiểm. Chẳng may điện mà bị hở thì chẳng ai lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra”.
Những điều kiện sinh hoạt tối thiểu không được đáp ứng ở khu TĐC Đồng Tàu nói riêng và hệ thống nhà TĐC trên địa bàn Hà Nội nói chung là hiện trạng hiển hiện nhãn tiền mà nhìn qua ai cũng có thể thấy được.
Tuy nhiên, cơn “sóng ngầm” bức xúc về vấn đề chủ quyền nhà đất cũng là nỗi âm ỉ không hề nhỏ. Điều này cũng không ngoại lệ với những chung cư khoác trên mình tấm áo “khu đô thị”. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, tại khu nhà Xa La (Q.Hà Đông) 4000 hộ dân thuộc các tổ dân phố 17, 18, 19 phường Phúc La đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thành phố đề nghị thanh tra việc thu phí thủ tục cấp sổ đỏ.
Cụ thể, dù đã mua và dọn về cư trú từ năm 2008 nhưng mãi tới ngày 20/7/2013, các hộ dân ở đây mới nhận được thông báo hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà ở của đơn vị quản lý là Chi nhánh Dịch vụ Nhà ở và Quản lý Đô thị (Khu đô thị Mường Thanh) do ông Trần Quang Hòa – Phó Giám đốc ký.
Kèm theo đó là Văn bản số 5060/UBND-TNMT ngày 15/7/2013 do ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ký ban hành về việc nộp lệ phí trước bạ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tại khu đô thị Xa La, quận Hà Đông. Theo đó, để có giấy chứng nhận sử dụng đất, tổng mức phí thủ tục mà hơn 4000 hộ dân phải “gánh” là 5.150.000 đồng.
Ông Cao Mạnh Hùng - Tổ trưởng Tổ dân phố 18 vẫn chưa nguôi bức xúc, cho biết: “Tôi và nhiều hộ dân vô cùng bức xúc vì mức thu phí trên trời của chủ đầu tư. Chúng tôi đã lên làm việc và yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp giải trình việc thu khoản phí đó. Thế nhưng đại diện doanh nghiệp họ lại trả lời rằng, việc thu phí là theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền, nếu hộ nào không nộp phí theo quy định thì sẽ không thu hồ sơ”.
Tuy nhiên, nếu đối chiếu sự việc theo các văn bản pháp luật, cụ thể là theo Thông tư số 106/2010/TT-BTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND ngày 26/1/2011 của UBND TP.Hà Nội quyết định về việc thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP.Hà Nội đều nêu rõ mức thu phí tối đa không quá 100.000 đồng/giấy. Vậy mà không rõ căn cứ vào đâu chủ đầu tư lại thông báo mức thu phí lên tới 5.150.000 đồng/hộ dân.
Đừng để dân tình cảm thấy bị bỏ rơi
Trước thực trạng nhà TĐC còn tồn tại quá nhiều bất cập như hiện nay không ít chuyên gia đầu ngành cho rằng cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý xây dựng. Ngoài ra, để thay đổi cách nhìn nhận của người dân về nhà TĐC có không ít ý kiến cho rằng cần phải thay đổi cách gọi(?!).
Cụ thể, ngày 19/2 vừa qua, trong buổi làm việc liên quan đến “nghe và cho ý kiến về Dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản” của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, không ít ý kiến nêu ra rằng phải thay đổi khái niệm, tên nhà TĐC bằng thuật ngữ là “phát triển nhà ở phục vụ tái định cư”.
Một động thái tích cực khác từ các đơn vị quản lý nhà TĐC được dư luận đặc biệt ghi nhận thời gian gần đây đó là Công văn hỏa tốc của UBND thành phố gửi Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội và Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai về vấn đề liên quan đến khu TĐC Đồng Tàu. Cụ thể, ngày 18/2 UBND TP.Hà Nội đã có Công văn số 1082/UBND -TH gửi các đơn vị liên quan yêu cầu khẩn trương kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của những đơn vị quản lý khu TĐC Đồng Tàu và báo cáo UBND thành phố trước ngày 25/2.
Hành động trên của các ban, ngành chức năng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan thì những động thái khắc phục, xử lý ở Đồng Tàu nói riêng và hệ thống nhà TĐC nói chung đều chỉ dừng ở mức giải pháp tình thế và xử lý phần ngọn của vấn đề.
Để cải thiện tình trạng yếu kém trong chất lượng nhà TĐC như hiện nay, nên chăng cần có sự “buộc” trách nhiệm đối với chủ đầu tư. Hay nói cách khác, việc gắn liền trách nhiệm này là hết sức cần thiết như lời khẳng định của ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội:
“Chúng ta cần phải xã hội hóa, đưa ra một mức giá và một tiêu chuẩn chất lượng và buộc các chủ doanh nghiệp đầu tư vào đó cũng như thương mại. Có nghĩa là phải bán được cho người tái định cư, nhà nước, dân và doanh nghiệp kết hợp với nhau. Tôi có khu này, anh chọn ở đâu, giá cả theo thỏa thuận. Như thế thì người dân cũng thỏa mãn, chủ doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm đến cùng với chất lượng đó”.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN