Đìu hiu đấu giá đất

Cập nhật 11/10/2009 09:55

Trong khi thị trường bất động sản đã ấm lên, giao dịch ở một số dự án khu đô thị mới có dấu hiệu khởi sắc, đất được Nhà nước đem đấu giá quyền sử dụng ở Hà Nội vẫn… ế ẩm.

Trong khi thị trường bất động sản đã ấm lên, giao dịch ở một số dự án khu đô thị mới có dấu hiệu khởi sắc, đất được Nhà nước đem đấu giá quyền sử dụng ở Hà Nội vẫn… ế ẩm.

Dù đã niêm yết công khai cũng như mời gọi ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số phiên đấu giá đất ở các quận, huyện thậm chí còn không đủ người tham gia theo quy định. Vì thế, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch đấu giá đất năm 2009 nếu không có những giải pháp quyết liệt.

Ế ẩm, tồn kho…

Được đánh giá là “hot” nhất trong những khu vực còn đất đấu giá quyền sử dụng ở các quận nội thành Hà Nội nhưng phiên đấu giá gần nhất ở quận Cầu Giấy chỉ có hơn 80 người tham gia “tranh” 13 thửa đất. Vì lượng người đăng ký vừa phải nên giá trúng cũng không được cao bằng cao phiên trước. Giá trúng thấp nhất là 77 triệu đồng/m2, giá trúng cao nhất là 101 triệu đồng/m2, thấp hơn hẳn so với phiên đấu giá đất hồi tháng 5 - 2009 (giá trúng trung bình là 85 triệu đồng/m2 trong khi giá trúng cao nhất lên đến 106 triệu đồng/m2).

Tuy giá trúng chưa cao như mong muốn song nhìn trên bình diện chung, quận Cầu Giấy vẫn còn khá hơn nhiều quận, huyện khác. Theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ đầu năm, các quận, huyện, sở ngành phải triển khai 83 dự án đấu giá quyền sử dụng đất để thu về 3.419 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tới nay, mới có 11 quận, huyện tổ chức đấu giá 14 dự án. Đã hết quý III - 2009 nhưng tổng số tiền thu được (ước theo giá trúng đấu giá) mới là 649,3 tỷ đồng, chỉ đạt 19% kế hoạch được giao. Hiện nay, vẫn còn 13 quận, huyện, sở, ngành vẫn chưa thấy “động tĩnh” gì. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng cho rằng, tiến độ đấu giá là quá chậm so với yêu cầu.
 

649,3 tỷ đồng là tiền đấu giá đất Hà Nội thu được từ đầu năm đến nay, bằng 19% kế hoạch

Lý giải về điều này, nhiều quận, huyện cho rằng, các dự án đấu giá ế ẩm một phần do... suy thoái kinh tế! Đại diện huyện Thường Tín phân trần: “Đã đấu giá nhiều nên thị trường bão hòa. Thêm nữa, các vị trí đẹp cũng gần “cạn”. Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Hậu, các dự án đấu giá chậm không chỉ do thị trường mà còn có nguyên nhân khách quan từ phía các cơ quan tổ chức đấu giá. Cụ thể, do có sự khác nhau của các văn bản quy định về đấu giá đất trên địa bàn Hà Nội cũ và Hà Tây (trước đây) nên phần lớn các khu đất đã và đang tổ chức đấu giá ở khu vực Hà Tây chưa hoàn thành GPMB cũng như làm hạ tầng. Đã vậy, một số khu đất đưa ra đấu giá không có người tham gia do vị trí không thuận lợi, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương như các khu đất xen kẹt ở Gia Lâm, Hoài Đức. Ngoài ra, một số dự án ách tắc kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng tới tiến độ đấu giá như dự án 18 Hàng Khoai, khu tái định cư Trung Hưng (Thị xã Sơn Tây), khu đấu giá xã Tiến Thịnh (Mê Linh)...
 

Trong khi các văn phòng môi giới nhà đất mọc lên như nấm để phục vụ nhu cầu giao dịch đất đai của doanh nghiệp và cá nhân thì đất “sạch” của Nhà nước ở Hà Nội vẫn ế ẩm.


Không chỉ lo các dự án đấu giá không kịp về đích đúng hẹn, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường còn băn khoăn về những dự án đã đấu giá. “Nhiều trường hợp lần khân không chịu đóng nốt tiền (theo giá trúng) vào ngân sách Nhà nước. Có những trường hợp họ cố tình không đóng song cũng có người không chịu nộp vì thực chất dự án cũng chưa xong hạ tầng, chưa bàn giao được đất” - ông Vũ Văn Hậu nói. Thông tin từ Sở Tài chính Hà Nội cho biết, số tiền nợ đọng từ các phiên đấu giá quyền sử dụng đất trên toàn thành phố trong năm 2008 lên tới 1.367 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm 2009, Hà Nội đã thu được 1.445 tỷ đồng, bao gồm cả số nợ cũ của năm 2008 và số mới thu từ các phiên đấu giá trong năm 2009.

Vỡ kế hoạch


Nhìn nhận khả năng Hà Nội sẽ vỡ kế hoạch đấu giá đất năm nay, Giám đốc Vũ Văn Hậu tính toán: “Các dự án đủ điều kiện đấu giá ngay trong năm 2009 chỉ dừng ở con số 13, dự kiến thu 1.050 tỷ đồng. 36 dự án khác đã có quyết định giao đất nhưng chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng tính khả thi thấp vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Còn lại 18 dự án (ước thu 1.132,7 tỷ đồng) vẫn đang triển khai thủ tục đầu tư, nhưng cũng khó tổ chức đấu giá kịp trong năm nay”.

Đồng tình với nhận định này, ông Vũ Hồng Khanh nói: “Nếu duy trì tốc độ như hiện tại, thành phố sẽ không hoàn thành kế hoạch. Nhiều quận, huyện kêu về thủ tục. Đúng là thủ tục còn rườm rà và chậm thật. Văn bản quận huyện gửi lên đôi khi không biết “đọng” ở đâu vài tháng vì thủ tục lùng nhùng, sở nọ chuyển sở kia”.

Hà Nội đang rất “khát” vốn cho các công trình, dự án lớn. Nguồn thu từ đất với con số kỳ vọng vài nghìn tỷ đồng được đánh giá là “bầu sữa” lớn nhất. Thế nên, những phiên đấu giá đất vắng bóng khách hàng không chỉ làm giảm đi xu hướng khởi sắc chung của toàn thị trường mà còn ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình, dự án lớn của thành phố. Để tăng tốc đấu giá đất, không chỉ phải gỡ những hàng rào thủ tục hay bơm vốn đầy đủ cho các dự án, Hà Nội rõ ràng phải biết cách chào hàng tốt hơn đối với những khu đất đấu giá. Nhiều lần lãnh đạo thành phố đã bàn tới chuyện tiếp thị đất song cuối cùng… chuyện đâu bỏ đó và các quận, huyện, sở, ngành vẫn mạnh ai người đó làm. Kết quả, kế hoạch vẽ ra rất “sáng” nhưng hầu như năm nào cũng đe dọa không hoàn thành, phải “vắt chân lên cổ” trong những tháng cuối năm.

Đã tới lúc, không thể đấu giá đất theo kiểu thụ động, tù mù, chờ khách hay giá nào cũng chấp nhận mà thành phố phải chủ động lên kế hoạch quảng bá “sản phẩm” rộng rãi. Không lẽ nào, chỉ cách vài trăm mét mà doanh nghiệp, cá nhân giao dịch ầm ầm trong khi đất “sạch” của Nhà nước lại mời gọi mãi không có ai mua!


DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân