Điều trần chất lượng dịch vụ công 2008: Chỉ mỗi Sở Xây dựng không lúng túng

Cập nhật 29/11/2008 08:09

Sáng qua (28-11), lần đầu tiên HĐND TP.HCM mở phiên điều trần về chất lượng cung ứng dịch vụ công năm 2008. Trước đó, Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) phối hợp Cục Thống kê...

Sáng qua (28-11), lần đầu tiên HĐND TP.HCM mở phiên điều trần về chất lượng cung ứng dịch vụ công năm 2008. Trước đó, Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) phối hợp Cục Thống kê đã có báo cáo khảo sát tám lĩnh vực dịch vụ công. Kết quả, ba ngành bị dân “kêu rêu”, không hài lòng nhiều nhất là xe buýt, dịch vụ y tế và cấp giấy chủ quyền nhà đất...

Nhà đất: Thời gian giải quyết chậm gấp sáu quy định

“Tôi lấy làm hổ thẹn vì chỉ số hài lòng trong lĩnh vực cấp giấy tờ nhà, đất thấp!” - ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, bộc bạch.

Theo kết quả khảo sát, hơn một nửa số hộ dân cho biết họ phải bổ sung hồ sơ nhà, đất nhiều lần khi đi làm “giấy hồng”, “giấy đỏ”. Nhiều hộ dân nhận yêu cầu bổ túc hồ sơ bằng miệng. 51% số hồ sơ bị bổ sung. Trung bình một hồ sơ phải bổ sung 2,4 lần, mất 36 ngày trong khi quy định của pháp luật chỉ cho phép bổ sung một lần. Cộng với thời gian chuẩn bị hồ sơ trung bình là 84 ngày, người dân phải đi lại trong thời gian 120 ngày mới có một bộ hồ sơ nhà, đất hợp lệ. Sau khi nộp hồ sơ, thời gian chờ đợi để nhận được giấy trung bình là 180 ngày, lâu hơn sáu lần quy định của Luật Nhà ở. Tính ra, từ khi bắt đầu đi làm giấy tờ nhà đến khi cầm được giấy trên tay, người dân phải mất hơn 10 tháng.

Ông Đỗ Phi Hùng điều trần trước HĐND TP chín nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Đó là:

- Nhiều đơn vị đo vẽ không có chất lượng nên bản vẽ không chính xác khiến người dân phải đi lại nhiều lần để sửa chữa.

- Có nhiều nơi yêu cầu bổ túc thừa: hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân... trong khi hồ sơ chỉ yêu cầu ba loại giấy tờ chính: giấy chứng nhận nguồn gốc nhà, đơn xin cấp giấy và bản vẽ.

- Người dân phải nộp những loại phí không có trong quy định như bán hồ sơ 30.000 đồng hoặc bị buộc nộp thêm những phí linh tinh.

- Cán bộ tiếp nhận chỉ hướng dẫn bằng miệng.

- Các cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến công tác cấp giấy: cụ thể Sở chưa quan tâm thanh, kiểm tra các quận, huyện; quận, huyện không kiểm tra chặt các phòng, ban.

- Các cơ quan sợ trách nhiệm nên gặp vấn đề là cứ phát công văn hỏi sở, sở nọ lại hỏi sở kia khiến thời gian giải quyết kéo dài.

Ông Đỗ Phi Hùng cũng nhấn mạnh nguyên nhân khách quan phần lớn liên quan đến quy định pháp luật về nhà, đất chưa đầy đủ. “Chẳng hạn nhà xây dựng trái phép sau ngày 1-7-2004 đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cách xử lý, nhà của Việt kiều chưa thể cấp giấy được... Trong bốn năm, mẫu giấy tờ nhà, đất thay đổi bốn lần khiến cho người dân và cán bộ rất lúng túng. Nhân sự làm công tác cấp giấy của các quận thiếu quá nhiều nên chưa đáp ứng kịp công việc...” - ông Hùng giải thích.

Ông Hùng cũng đưa ra nhiều biện pháp: Công khai đầy đủ các thủ tục cấp giấy, có biện pháp xử lý các dịch vụ đo vẽ không đạt chất lượng, lập cơ chế để người dân giám sát công tác cấp giấy. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tăng cường phối hợp các sở, ngành trong công tác cấp giấy, giải quyết nhanh kiến nghị, thắc mắc của các quận, huyện; đồng thời kiện toàn nhân sự để đáp ứng đủ lượng, đủ chất cho công tác cấp giấy. “Điều quyết định nhất vẫn là sự quan tâm của cấp ủy và lãnh đạo các quận, huyện. Nhiều quận như Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức làm tốt là do họ huy động được toàn bộ hệ thống chính quyền để ưu tiên giải quyết” - ông Hùng nói.

Phần điều trần của ông Hùng được hội đồng đánh giá là có cầu tiến, đi thẳng vào vấn đề và có hướng khắc phục tốt, rõ ràng.

Mòn mỏi để được khám chữa bệnh


Cũng theo Viện NCPT, loại hình dịch vụ y tế cũng giảm đáng kể, từ 78,2% hài lòng (năm 2006) giảm xuống còn 58,5% năm 2008 (giảm 19,7%).

Có bảy lý do khiến người dân phàn nàn: Thời gian chờ khám chữa bệnh (KCB) mất hơn 60 phút, gấp hơn ba lần của khối y tế tư nhân; yêu cầu về thủ tục giấy tờ KCB nhìn chung không đơn giản và không nhanh chóng; điều kiện phòng chờ khám không tốt, không thoải mái; thái độ sẵn sàng tiếp nhận bệnh của nhân viên y tế được đánh giá không tốt ở cả hai khối công, tư; chất lượng phòng, giường bệnh không phù hợp với chi phí do bệnh nhân bỏ ra...

Ông Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế thừa nhận con số này là đúng. “Sở Y tế hàng năm cũng đều phát mẫu điều tra xuống các bệnh viện, thế nhưng kết quả lúc nào cũng... tốt. Có lẽ vì mình tự làm cho mình nên không khách quan” - ông Châu thú thật.

Cũng theo ông Châu, bảy phàn nàn mà người dân đưa ra là đúng. Có ba nguyên nhân: Bệnh viện công quá tải; thái độ, chất lượng cung cấp dịch vụ chưa tốt; giá cả dịch vụ chưa hợp lý. Ông Châu cho biết sẽ đưa ra những giải pháp ngắn hạn trước mắt như: Làm cho người bệnh hài lòng ngay từ khi bước chân vào cổng; tin học hóa việc KCB bằng thẻ bảo hiểm y tế; mở những lớp giao tiếp cho cán bộ y tế; hạn chế lạm dụng kỹ thuật cao... Nhưng khi được hỏi giải pháp dài hạn thế nào, ông Châu xin phép chưa trình bày (?).

Cuối cùng, bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TP kết luận: Cuộc điều trần lần này diễn ra trong không khí cầu thị, xây dựng. Những con số do cuộc khảo sát đưa ra này chỉ có ý nghĩa tham khảo nhưng cho thấy những tồn tại mà các sở, ngành cần phải tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới. “HĐND TP tiếp thu những ý kiến đóng góp để đầu tư nhiều hơn trong những đợt khảo sát tới” - bà Thảo nói.

Về các lĩnh vực khảo sát, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất năm 2009 cho mở rộng khảo sát thêm về ngành tòa án và thi hành án. Tuy nhiên, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang thì cho rằng năm tới chỉ nên tập trung bốn lĩnh vực (thay vì tám như năm nay) là: cấp giấy chứng nhận nhà đất, y tế, xe buýt và thuế.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP