Hiện chỉ có hơn 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 4 triệu ha đất trồng lúa, tuy nhiên diện tích này lại đang giảm một cách nhanh chóng.
Hiện chỉ có hơn 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 4 triệu ha đất trồng lúa, tuy nhiên diện tích này lại đang giảm một cách nhanh chóng.
Đây là cảnh báo được đưa ra tại hội thảo “Chiến lược an ninh lương thực quốc gia và quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 29/5 tại Cần Thơ.
Theo số liệu mới nhất đưa ra tại hội nghị, nước ta chỉ có hơn 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 4 triệu ha đất trồng lúa, tuy nhiên diện tích này lại đang giảm một cách nhanh chóng.
Trung bình mỗi năm, người nông dân Việt Nam phải nhường 74.000 ha đất nông nghiệp để xây dựng các công trình nhà ở, đô thị và khu công nghiệp. Tốc độ mất đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu hiện nay là 1%.
Với đà này, TS. Nguyễn Văn Ngãi (ĐH Nông lâm TP.HCM) cho rằng, đến năm 2020 sản lượng lúa của Việt Nam chỉ còn đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước, chứ không có khả năng xuất khẩu.
TS. Đỗ Kim Chung (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) phân tích, an ninh lương thực không chỉ bó hẹp ở những nông sản có chứa tinh bột (chủ yếu là lúa gạo) mà còn gồm cả lương thực và thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cho con người.
“Điều đáng lo ngại hiện nay là không ít người nghĩ rằng càng làm lúa càng nghèo. Điều này xuất phát từ thực tế hiện cả nước có 71% dân số làm nông nghiệp nhưng số hộ nghèo chiếm tới 23,4%, trong khi bộ phận người phi nông nghiệp chỉ có 5% hộ nghèo.”, TS. Chung nói.
trong vụ lúa đông xuân vừa qua, trung bình chi phí sản xuất lúa thường ở mức 17-19 triệu đồng/ha, lúa chất lượng cao là 17-19 triệu đồng/ha, trong khi bán được 28-32 triệu đồng/ha (với lúa thường) và 31-35 triệu đồng/ha (với lúa chất lượng cao). Tỷ lệ lợi nhuận trong vụ này ước đạt 40-45%, cao hơn hẳn so với vụ trước đó.
Tuy nhiên, với lợi nhuận này phần lớn nông dân vẫn chưa đảm bảo có được đời sống khá so với mặt bằng chung của dân số. Một ví dụ đơn giản là nếu một gia đình có 4 nhân khẩu canh tác một ha đất, mỗi năm hai vụ thì lợi nhuận cao nhất cũng chỉ có 20-22 triệu đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với tất cả các chi phí của tất cả các thành viên trong gia đình đó.
Theo TS. Chung, một trong những vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước là chúng ta phải nghĩ đến quy hoạch đất cho sản xuất nông nghiệp trước khi nghĩ đến đất cho khu công nghiệp và đô thị. Mỗi năm Việt Nam dành 70.000 ha đất nông nghiệp cho xây dựng khu công nghiệp và đô thị.
“Việc đất canh tác giảm dần trong khi năng suất tăng có hạn dẫn đến khả năng thiếu hụt lương thực trong thời gian không xa.”, TS. Chung cảnh báo.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet