Hôm qua, 6-3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, Trưởng ban Lai dắt và dìm đốt hầm Thủ Thiêm, cùng đại diện của 20 đơn vị trong ban lai dắt đã tổ chức diễn tập trước khi bước vào ngày lai dắt chính thức hôm nay.
Lúc 7 giờ 30, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài chỉ đạo đoàn xuất phát chạy dọc tuyến sông Sài Gòn để kiểm tra cách bố trí các trạm gác, chốt chặn tàu bè từ ngã ba bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh (cách cầu Sài Gòn hơn 1km) đến khu vực đúc các đốt hầm thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
9 giờ 20, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài chỉ đạo lấy sà lan nặng 500 tấn làm tình huống giả định thay thế đốt hầm Thủ Thiêm (nặng 27.000 tấn) và phát lệnh cho Ban chỉ huy lai dắt dàn đội hình tàu lai dắt, tàu phao tiêu, tàu chỉ huy và các bộ phận phụ trách an ninh vào vị trí sẵn sàng.
Diễn tập lai dắt đốt hầm dìm Thủ Thiêm. Ảnh: Cao Thăng |
4 tàu kéo thuê từ Thái Lan có công suất 3.200 - 3.500 CV móc cáp vào 4 góc sà lan với chiều dài mỗi cáp 30m cùng một tàu kéo dự phòng của Công ty Falcon (Việt Nam). Tuy nhiên, sau khi kéo đi khoảng 1km, hoa tiêu trưởng nhận thấy 2 tàu kéo phía trước điều chỉnh hướng chạy hơi khó khăn nên quyết định nới độ dài dây cáp lên 50m. Ngay sau đó, 4 tàu lai dắt hoạt động nhịp nhàng và ăn ý hơn. Và cứ thế, đoàn tàu lai dắt chầm chậm về đích suôn sẻ.
Đến 12 giờ, sà lan đã được kéo về tới khu vực dìm gần cầu. Sau đó, đoàn lai dắt đã quay đầu về lại bãi đúc, kết thúc buổi diễn tập.
Do chỉ là diễn tập và giả định đốt hầm bằng sà lan, nên tốc độ kéo cũng như thời gian hoàn toàn khác với thực tế lai dắt đốt hầm 27.000 tấn vào hôm nay.
Đầu hầm Thủ Thiêm phía quận 1 đang được hoàn thiện. Ảnh: Đức Thành. |
Chiều cùng ngày, Thường trực UBND TP đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm sau buổi diễn tập và triển khai kế hoạch của ngày lai dắt chính thức, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua.
Qua đánh giá của các thành viên trong đoàn diễn tập, việc lai dắt đốt hầm thật, nặng đến 27.000 tấn sẽ gặp khó khăn hơn vì vật được kéo hình vuông, sẽ gặp lực cản rất lớn của nước. “Khi chính thức kéo đốt hầm, các đơn vị phải đặc biệt lưu ý đến các điểm nhạy cảm, chẳng hạn như mũi Đèn Đỏ bởi nơi đây dòng nước mạnh, đoạn cua gấp. Các tàu làm nhiệm vụ cảnh giới phải đảm bảo tuyệt đối, không cho tàu thuyền qua lại khu vực lai dắt” - ông Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, trên đốt hầm sẽ có tháp điều khiển, cao 26m. Ông Quách Đình Hùng, Giám đốc Công ty Hoa tiêu khu vực 1, cho biết, hoa tiêu điều khiển đoàn lai dắt sẽ ở trên tháp, là hoa tiêu thâm niên nhất của TPHCM.
Về khâu đảm bảo an ninh, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu Sở GTVT triển khai phương án dừng tất cả phương tiện lưu thông qua cầu Phú Mỹ từ 9 đến 10 giờ cùng ngày - khi đoàn lai dắt đi qua cây cầu này. Các quận huyện có đoàn lai dắt đi ngang, phải cấm tuyệt đối các tuyến đò ngang.
Song song với việc lai dắt dưới sông, UBNDTP cũng đề nghị quân đội bố trí một trực thăng ghi hình làm tư liệu.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng