Nhằm giải quyết tình trạng ách tắc tại các nút giao thông, nâng cấp và xây dựng mới một số tuyến giao thông trọng điểm theo quy hoạch phát triển đô thị, từ năm 2000...
Nút giao thông ngã tư Kim Liên vừa được hoàn thành góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố. Ảnh: Linh Tâm. |
Nhằm giải quyết tình trạng ách tắc tại các nút giao thông, nâng cấp và xây dựng mới một số tuyến giao thông trọng điểm theo quy hoạch phát triển đô thị, từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội (giai đoạn 1). Đến nay, một số dự án thành phần thuộc chương trình này đã tạo diện mạo mới cho giao thông Thủ đô.
Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (MPMU) cho biết: Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội (giai đoạn 1) gồm 7 dự án thành phần, gồm: nút giao thông Ngã Tư Vọng, nút giao thông ngã tư Kim Liên, nút giao thông Ngã Tư Sở, nút Nam cầu Thăng Long, đường trên đê hữu Hồng; đường Vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), với tổng mức đầu tư là 3.548 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là 1.552 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước là 1.996 tỷ đồng, nguồn vốn ODA dành để thi công xây lắp, vốn đối ứng trong nước chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Đến nay, MPMU đã hoàn thành đưa vào sử dụng 5 dự án: nút giao thông Ngã Tư Vọng, nút giao thông Ngã Tư Sở, nút giao thông Nam cầu Thăng Long, đường trên đê hữu Hồng và đường Vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa. 2 công trình còn lại là nút giao thông Kim Liên và hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam Trung Yên đang được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung thi công, hoàn thành trong năm 2009.
Nhiều người dân Thủ đô khi được hỏi đều đánh giá cao về tính hiệu quả của các dự án. Bà Nguyễn Thị Minh Loan (phường Phương Liên, quận Đống Đa), một trong những hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa cho biết: Dù phải di dời tới nơi ở mới để lấy đất làm đường nhưng gia đình tôi rất ủng hộ chủ trương của thành phố và xung phong bàn giao mặt bằng ngay từ đợt đầu tiên. Bây giờ, mỗi khi đi qua con đường mới tôi vẫn thấy xốn xang, nhớ về nơi ở cũ, nhưng lại thấy tự hào vì làm như vậy cũng coi như đã đóng góp một phần nhỏ bé tạo dựng nên một tuyến đường đẹp.
Nút giao thông Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở một thời là nỗi ám ảnh với người dân Thủ đô bởi nạn tắc đường và mù mịt bụi. Từ nguồn vốn ODA và sự nỗ lực của thành phố, giờ đây đã trở thành những công trình giao thông đồng bộ, hiện đại. Nhiều kỹ sư, công nhân thuộc các nhà thầu Việt Nam tham gia xây dựng công trình đã học hỏi được rất nhiều từ các chuyên gia, kỹ sư của Taisei, Nippon Kyoei của Nhật Bản về kinh nghiệm quản lý, thi công công trình đòi hỏi kỹ thuật cao.
Theo Sở GT-VT Hà Nội và MPMU, đáng chú ý là trong thời điểm nguyên vật liệu, đơn giá thi công liên tục trượt giá, hầu hết công trình xây dựng đều đội giá thì 7 dự án giao thông trọng điểm nói trên sau khi quyết toán phần xây lắp còn dư khoảng 350 tỷ đồng. Đó là thành quả của sự chặt chẽ và hợp lý trong khâu quản lý dự án và tiết kiệm trong quá trình thi công. Ông Nguyễn Sỹ Bảo cho biết: Sau khi cân đối nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cho phép sử dụng nguồn vốn dư này để xây dựng thêm 18 cầu vượt bộ hành trên địa bàn thành phố và sẽ được hoàn thành trước tháng 10-2010.
Chỉ còn hơn 400 ngày nữa Thủ đô sẽ tròn 1000 năm tuổi. Dù vẫn còn nhiều bộn bề, nhưng việc hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án nói trên đã đáp ứng được mục tiêu đầu tư mà Chính phủ và thành phố đề ra, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, cải tạo cảnh quan kiến trúc, môi trường tại các tuyến đường, nút giao thông trọng yếu.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới