Địa ốc tuần đầu tháng 4: Nhà đất đã tăng sau 11 quý

Cập nhật 07/04/2014 08:54

Nghi án “con đường ngàn tỷ” Trường Chinh bị bẻ cong vì né nhà quan chức, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, thị trường bất động sản tăng giá sau 11 quý liên tiếp là những thông tin nổi bật nhất trên thị trường địa ốc trong tuần đầu của tháng 4. Một góc nhìn của nhà báo Hương Giang về thị trường bất động sản tuần qua.

Nghi án “con đường ngàn tỷ” Trường Chinh bị bẻ cong vì né nhà quan chức, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, thị trường bất động sản tăng giá sau 11 quý liên tiếp là những thông tin nổi bật nhất trên thị trường địa ốc trong tuần đầu của tháng 4. Một góc nhìn của nhà báo Hương Giang về thị trường bất động sản tuần qua.  

1. Ồn ào nhất trong tuần này là câu chuyện liên quan đến con đường ngàn tỷ Trường Chinh (Hà Nội).

Câu chuyện thực ra đã bắt đầu được nêu ra trên các báo trong tuần trước, khi một số hộ dân có đơn thư tố cáo việc con đường đã bị “bẻ cong” so với quy hoạch, khiến con đường thuộc thuộc nhóm “đắt nhất hành tinh”, với tổng kinh phí đầu tư lên tới 2.500 tỷ đồng, mang dáng hình một chiếc “ghi đông xe đạp”, mất mỹ quan và ảnh hưởng đến giao thông.

Trong tuần này, Thanh tra Chính phủ yêu cầu làm rõ vụ “nắn cong” đường Trường Chinh.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Trưởng phòng dự án, Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị, đơn vị chủ đầu tư dự án lên tiếng giải thích: tuyến đường dài hơn 2 km được chia làm ba đoạn bằng nhau: “đường có cong, nhưng không đến nỗi cong như ghi đông xe đạp” và “trong quá trình làm việc, chúng tôi chưa hề có một văn bản nào nói là tránh nhà ai, khi sử dụng đất quốc phòng, thì việc bồi thường tiết kiệm được 130 tỷ đồng so với phương án nắn thẳng con đường”. “Nếu muốn nắn thẳng thì phải sửa chỉ giới, mà sửa chỉ giới mới là sai” (“Bẻ cong đường Trường Chinh vì tiết kiệm 130 tỷ?”, Tiền phong).

Còn ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, theo giải trình của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, thì chỉ giới đường đỏ lập cho đoạn từ Hố Mẻ đến Cổng Chéo đường Trường Chinh hoàn toàn thống nhất, không sai! Nếu cong thì phải hỏi Bộ Quốc phòng.

Theo TS. Trần Hữu Minh (Đại học GTVT Hà Nội), về nguyên tắc, các tuyến đường cong vẫn đảm bảo an toàn giao thông khi áp dụng các biện pháp xử lý kỹ thuật, nhưng mỗi người bị trễ mất 3 phút khi qua tuyến đường này, nhân lên cả chục nghìn lượt qua đây 1 ngày; tính trong một năm chi phí xã hội cho đường cong này là rất lớn, có thể lớn hơn nhiều chi phí mặt bằng”.  (“Hà Nội nói gì về “nghi án” bẻ cong đường Trường Chinh? (VN Economy, 4/4).

Câu hỏi đặt ra là, ngay cả trong trường hợp tuyến đường này được thi công theo đúng bản vẽ được duyệt, thì đại diện Bộ Quốc phòng cũng phải lý giải cho người dân được rõ vì sao lại đồng ý với phương án tuyến đường bị “bẻ cong” như vậy.

2. Câu chuyện thứ hai là câu chuyện “nghe rất buồn” liên quan đến nhà công vụ

Trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhìn nhận tình trạng cán bộ về hưu không chịu trả nhà công vụ là “câu chuyện không vui” và phát biểu quan điểm và có những nhận xét về một số cán bộ hiện nay nằm trong diện phải trả lại nhà công vụ “nghe rất là buồn” và “việc không trả nhà công vụ không nhiều lắm”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, theo Quyết định 755/2000 của Thủ tướng Chính phủ thì nhà công vụ đơn giản chỉ là làm nhà để cho cán bộ ở và các quy định, chế tài trong đó cũng chưa được rạch ròi, rõ ràng.

3. Gói “tín dụng 4 nhà” tiếp tục gây ồn ào trên các báo tuần này. Trước nhiều luồng dư luận khác nhau về gói 50.000 tỷ đồng do Ngân hàng Xây dựng (VNCB) công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.  

Theo NHNN, trong gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, VNCB chỉ cho vay 10.000 tỷ đồng, tương tự như mức VNCB đã đăng ký với NHNN.

NHNN cũng cho biết, về bản chất, đây là chương trình tín dụng thông thường, không có ưu đãi về lãi suất, nguồn vốn do ngân hàng thương mại tự huy động để cho vay, quy mô gói tín dụng cũng chỉ là dự kiến của VNCB. Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các điều kiện tín dụng thông thường của khách hàng như dự án, phương án sản xuất - kinh doanh phải khả thi, hiệu quả; khách hàng có khả năng trả nợ hay không... (“Tín dụng 4 nhà” gỡ khó bất động sản cách nào?”, Tuoitre Online 4/4)

4.Thông tin đáng chú ý trong tuần này, CBRE đã công bố kết quả khảo sát thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2014, theo đó, giá nhà Hà Nội đã có lần tăng giá đầu tiên sau 11 quý giảm liên tiếp. Ba tháng đầu năm, thị trường nhà ở, căn hộ tiếp tục chứng kiến hoạt động chào bán thận trọng với 1.540 căn, từ 4 dự án, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng căn hộ hoàn thiện lại tăng đáng kể, đạt 2.716 căn, tăng khoảng 33% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn tập trung chủ yếu ở các dự án đã hoàn thiện, đầy đủ hạ tầng, tiện ích. Một số dự án còn lại, việc giảm giá vẫn tiếp tục diễn ra dù mức giảm đã chững lại.

Giám đốc điều hành CBRE Richard Leech, khu vực phía Đông và Tây Bắc của Hà Nội dự báo sẽ được coi trọng do thị trường đang diễn ra tình trạng thừa cung ở khu vực phía Tây cũng như khả năng phát triển dự án mới tại khu trung tâm gần như là không thể.

Điểm đáng chú ý là có một số dự án biệt thự, liền kề đã được chủ đầu tư giảm giá mạnh, ngang bằng hoặc thấp hơn đất thổ cư, căn hộ chung cư tại khu vực lân cận như Ao Sào chỉ 20 triệu đồng/m2, Đại Thanh từ 26 triệu đồng/m2, Tân Tây Đô 13 triệu/m2…

Theo CBRE, thực tế trên cho thấy, xu hướng các dự án biệt thự, liền kề cũng là đối tượng cạnh tranh trực tiếp với các dự án chung cư có giá từ 2 - 3 tỷ đồng.

“Dự án chung cư nhộn nhịp trở lại, bán chênh hàng trăm triệu đồng”  (Laodong Online, 3/04/2014).

Dù chỉ phải bỏ tiền ra mua giá gốc từ 10 - 14 triệu đồng/m2, nhưng sau đó người mua đã bán lại với giá chênh từ 1 - 3 triệu đồng/m2. Có dự án, tổng giá trị chênh lệch lên tới 300 triệu đồng/căn hộ…

Một số dự án ở phân khúc trung bình như CT1 Viện 103 Văn Quán, 136 Hồ Tùng Mậu, CT1 – CT2 Trung Văn, CT3 Cổ Nhuế Nam Cường thì người mua cuối đều phải bỏ thêm khoảng từ 30-200 triệu đồng mỗi căn. Dự án chung cư Victoria – Văn Phú – Hà Đông có giá từ 15-16,5 triệu đồng/m2, mức chênh lệch trên thị trường đối với căn có diện tích nhỏ dưới 70m2 là khoảng 50-70 triệu đồng/căn.

Đối với phân khúc cao cấp, dự án Mandarin Garden (Trung Hòa - Nhân Chính), lượng tiền chênh 100-200 triệu đồng/căn tùy vị trí, diện tích.

Ông Lê Minh Dũng - Giám đốc CBRE Vietnam cho rằng, câu chuyện tiền chênh trên thị trường BĐS có thể nhìn nhận qua 2 khía cạnh. Thứ nhất là nguồn cầu nhiều nhưng cung không đủ, thứ hai là thủ pháp của giới đầu cơ trên thị trường. Vì vậy người mua nhà cần  có sự cẩn trọng và nghiên cứu kỹ.

Trong tuần này, nguồn cung của thị trường cũng ghi nhận nhiều dự án chào bán, đưa vào khai thác. Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, tại Khánh Hòa, khách sạn 4 sao Green World Hotel có quy mô hơn 200 phòng và 27 căn hộ cao cấp tọa lạc tọa lạc giữa “khu phố tây” của thành phố du lịch biển Nha Trang vừa khai trương chiều ngày 2/4.

Chiều 4/4, UBND thành phố Hà Nội và Gamuda Land Việt Nam đã tổ chức khai trương công viên Yên Sở, phục vụ miễn phí người dân Thủ đô.

Liên minh các sàn giao dịch bất động sản G5 vừa công bố chào bán đợt mới căn hộ Discovery Complex, 302 Cầu Giấy, Hà Nội, với mức giá từ 28,3 triệu đồng/m2. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư và Posco E&C Việt Nam là nhà thầu thi công. Hiện dự án đã hoàn tất phần móng, tầng hầm và đang bắt đầu thi công phần thân. Dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao căn hộ cho khách hàng vào quý 1/2016.

Vào phía Nam, CTCP Xây dựng Phước Thành tổ chức lễ khai trương nhà mẫu và mở bán đợt đầu tiên Dự án The CBD Premium Home với mức giá từ 16,3 triệu đồng/m2. Dự án The CBD Premium Home tọa lạc tại trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP. HCM), với các căn hộ có diện tích từ 60 - 80 m2, gồm từ 2 - 3 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh, các phòng trong căn hộ đều có cửa sổ.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán