Thị trường địa ốc của TPHCM là miếng bánh béo bở mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Nhưng đằng sau sự xuất hiện của “tây” có lắm câu chuyện hài hước…
Đặt tên tây, mời luôn sao Hollywood(!)
Cách nay vài năm, khi thị trường chung cư chưa “trăm hoa đua nở”, tên của dự án chung cư được chủ đầu tư gắn với tên công ty hoặc một tên nào đó mỹ miều, nhưng chủ yếu là bằng tiếng Việt- tiếng mẹ đẻ. Còn giờ đây, hầu hết dự án chung cư mới công bố gần như “ịn” vào đó bằng đủ thứ tiếng như Anh, Pháp, Ý, kể cả Tây Ban Nha… Nói chung là tập trung chủ yếu ở các chung cư thương mại, tất nhiên chung cư bán càng đắt tiền tên gọi càng nghe rổn rảng.
Ngay cửa ngõ phía Đông TP, án ngữ lối vào khu trung tâm là 3 cái tên nước ngoài nghe rất sang trọng như Saigon Pearl, The Manor, Cantavil Hoàn Cầu. Bên kia cầu Sài Gòn, phía quận 2 cũng tương tự là hàng loạt tên ngoại quốc nối tiếp nhau The Vista, Cantavil, Estella, Blooming Park…
Khu căn hộ này xây tại quận 2, TPHCM nhưng mang tên tây -Cantavil. Ảnh: Đức Trí |
Chung cư có tên gọi bằng tiếng nước ngoài cũng xuất hiện nhan nhản ở khu Nam Sài Gòn. Chẳng hạn, tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, những dự án nhà ở hoàn thành trước đây có tên tiếng Việt còn dự án ra đời sau này lại thay hoàn toàn bằng tiếng tây như Star Hill, Riverpark Residence, Riverside Residence… Tất nhiên, tuy đặt tên tây nhưng chung cư chủ yếu người Việt ở chứ có thấy mấy người “tây” đâu!
Đi kèm theo tên tây đôi khi có câu chuyện ngược đời. Ăn theo xu hướng nhà ở thân thiện môi trường để tăng giá trị của dự án, nhiều chủ đầu tư gắn vào đó những cái mác lãng mạn như Riverside (bờ sông, ven sông) nhưng thực chất nhiều khi đó chỉ là một con rạch, thậm chí là một con lạch thoát nước thải đen ngòm. Trong khi hầu như những dự án nhà ở đều san lấp kênh rạch, thường xuyên bị dư luận chỉ trích!
Vì sao lại đặt tên tây, các chuyên gia địa ốc giải thích là cho dễ bán, vì xu thế chung của thị trường. Một dự án chung cư ở vùng heo hút thuộc quận Thủ Đức, gần giáp ranh với Bình Dương, chủ đầu tư rao bán hoài mà không có nhà đầu tư thứ cấp nào nhảy vô. Sau đó, một người tư vấn yêu cầu chủ đầu tư thay đổi cách tiếp thị, nhưng bắt buộc phải thay tên chung cư từ tiếng Việt thành tiếng nước ngoài. Giống như có phép nhiệm màu, việc “thay tên đổi họ”, tiếp thị trên báo bằng tiếng ngoại quốc đã mang lại thành công lạ kỳ, hàng trăm căn hộ đã bán hết sạch nhanh chóng!
Mới đây giới địa ốc lại thêm một phen “sốc” khi Công ty cổ phần Bình Thiên An giới thiệu với báo giới về dự án tên tây và việc viếng thăm của ngôi sao Hollywood, đó là dự án Diamond Island, quận 2.
Trả lời báo giới về việc có hay không Brad Pitt đặt hàng dự án Diamond Island, lãnh đạo Công ty cổ phần Bình Thiên An xác nhận: “Họ đã đến đây nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng”. Tuy nhiên, khi báo chí vào cuộc điều tra lại lòi ra sự thật khác. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TPHCM cho biết, tên đầy đủ của diễn viên Brad Pitt là William Bradley Pitt, sinh 18-12-1963 tại Shawnee, Oklahoma, Mỹ không nhập cảnh vào Việt Nam từ sau tháng 1-2007 đến nay. Còn dự án Diamond Island mới được giới thiệu cho khách hàng, bắt đầu mở bán từ tháng 10-2009!!!
Ngán ngẩm... “cò” ngoại
Cùng với làn sóng người Việt ở chung cư Việt nhưng tên tây là sự đổ bộ của nhà các nhà đầu tư nước ngoài vào làm địa ốc. Nói chung, nhà đầu tư ngoại cũng có năm bảy kiểu, có những tập đoàn mạnh, “đổ” đô-la vào nhà cao tầng mọc lên ngay, cũng có nhà đầu tư huy động vốn sai luật, rồi cũng có nhà đầu tư “ngâm tôm” dự án… Nhưng hầu hết doanh nghiệp địa ốc Việt Nam ngán nhất là tiếp phải cò dự án quốc tế, vì tốn thời gian, lãng phí công sức mà không được gì.
Anh L. giám đốc một doanh nghiệp địa ốc vẫn còn ê chề về câu chuyện “gả” dự án bất thành cho nhà đầu tư ngoại quốc. Vào thời điểm khó khăn, có dự án nhà ở nhưng bán không được, ngân hàng lại không cho vay, trong lúc khốn đốn bỗng dưng xuất hiện một nhà đầu tư ngoại, giống như chộp được phao cứu sinh! Đối tác xuất hiện lần đầu tiên trong đoàn xe Mercedes mới cáu.
Nhưng ấn tượng nhất là sự trịnh trọng đặc biệt, lần gặp gỡ nào cũng thế, khi đoàn xe dừng lại, những người “lính” trong xe nhảy xuống đứng hai bên lối vào, đầu cúi rạp xuống hết sức kính cẩn, để chào ông chủ- người xuất hiện sau cùng. Gần cả tháng quần đã đời, ông chủ hẹn ngày ký kết hợp đồng. Đúng hẹn, thì một cảnh đón tiếp tương tự lại xảy ra, nhưng lúc này thành phần cúi rạp lại có “ông chủ” lần trước. Anh L. chột dạ, thầm nghĩ trong bụng: “Chẳng lẽ người mình tiếp lần trước lại là cò?”. Rồi làm lại hồ sơ, tiếp tục họp hành, cũng tốn hết ngần ấy thời gian. Lần thứ ba, đoàn khách lại đến, cũng cảnh đón tiếp tương tự, nhưng lần này thì anh L. hết sức ngỡ ngàng, vì cả hai ông chủ anh làm việc trước đây đều cúi rạp chào một ông chủ khác!? Cuộc làm việc diễn ra nhanh gọn, chính chủ đã trả lời không mua!
Cũng liên quan đến cò ngoại, có trường hợp mất luôn dự án. Đó là một dự án nhà ở có vị trí khá đẹp tại quận 7, chủ đầu tư đã có quyết định giao đất của cơ quan chức năng. Dự án chưa đền bù, nhưng chủ đầu tư khá may mắn khi “gả” cho một đối tác Hàn Quốc. Ngay sau buổi ký kết hợp tác đầu tư, nhằm tăng thêm độ tin cậy, phía bạn đã chồng ngay tiền đặt cọc 6.000 USD. Nhưng rồi từ đó, đối tác biệt tích, không chuyển thêm bất kỳ đồng nào, có chăng là lời hứa suông qua điện thoại.
Trong suốt thời gian đó, chủ đầu tư cũng không làm gì. Thời hạn dự án sẽ bị thu hồi vì không triển khai theo Luật Đất đai đã cận kề, phía đối tác vẫn bặt tin, còn chủ đầu tư thì lên ruột. Cùng lúc đó, chủ đầu tư “té ngửa” khi biết rằng, dự án của mình đang bị rao bán trên mạng! Chuyện gì đến cũng đã đến, dự án bị thành phố thu hồi vì quá 12 tháng không triển khai.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng