Địa ốc - khó nhưng không bó tay

Cập nhật 06/02/2013 08:26

Năm nay có lẽ lĩnh vực địa ốc “đón tết” sớm nhất! Đầu tháng Chạp, một hội chợ an cư thưa thớt khách như chợ chiều, tạm hiểu rằng thời điểm này nói chuyện nhà đất là sai nhịp, thời gian còn lại của năm cũ chỉ nói chuyện tết. Chính vì vậy, chủ một doanh nghiệp địa ốc phá lên cười khi hỏi về tác động của Nghị quyết 02 cứu thị trường bất động sản: “Phải sau tết anh ạ, bây giờ chỉ lo tết thôi”…

Năm nay có lẽ lĩnh vực địa ốc “đón tết” sớm nhất! Đầu tháng Chạp, một hội chợ an cư thưa thớt khách như chợ chiều, tạm hiểu rằng thời điểm này nói chuyện nhà đất là sai nhịp, thời gian còn lại của năm cũ chỉ nói chuyện tết. Chính vì vậy, chủ một doanh nghiệp địa ốc phá lên cười khi hỏi về tác động của Nghị quyết 02 cứu thị trường bất động sản: “Phải sau tết anh ạ, bây giờ chỉ lo tết thôi”…

Đón xuân Myanmar

Nhưng bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai) lại chưa nghĩ đến tết! Mấy năm trước, đầu tháng Chạp ông phải đi khắp các dự án trong và ngoài nước, để rồi trở lại phố núi vào ngày cuối cùng của tháng Chạp. Còn nay, bầu Đức đang cực kỳ bận rộn với “mảnh đất vàng còn sót lại của châu Á” - Myanmar, giấc mơ tỷ phú đô la Mỹ hiện lên rất gần.

Sau lễ ký kết cấp giấy chứng nhận đầu tư trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông gấp rút biến khu đất 8ha tại trung tâm cố đô Yangoon mọc lên các tòa cao ốc văn phòng, khách sạn, chung cư. Đi liền giấy chứng nhận đầu tư cầm trên tay là làm thủ tục để chuyển nhiều chục triệu đô la trả tiền thuê đất cho nước bạn. Về nhân sự, ông đưa 200 người là lính tinh nhuệ, những người đã trực tiếp xây dựng các nhà cao tầng tại Việt Nam, ưu tiên số một biết tiếng Anh, sang “đóng đô” ở Yangoon. Chiếc tàu hàng rời 3.000 tấn chất tất cả phương tiện máy móc phục vụ xây nhà cao tầng đã rời cảng Lotus, ăn tết dọc đường để có mặt tại Myanmar trước mùng 5 Tết. Ông ví von, việc xây dựng này góp phần không nhỏ vào việc giải phóng hàng tồn kho trong nước: đồ điện, xi măng, gỗ, đá, nhôm kính… chở từ Việt Nam sang.

Bầu Đức tập trung ào ạt binh lính, phương tiện và tiền bạc vào dự án này, khoảng một năm rưỡi sẽ xây xong khu cao ốc văn phòng, khách sạn. Ông khuấy động địa ốc ở Myanmar cũng là lúc thị trường địa ốc Việt Nam đóng băng. Hồi đến tìm hiểu dự án thì Myanmar bị cấm vận, hai năm sau, khi cầm giấy phép trên tay cũng là lúc nước bạn vừa mở cửa sâu rộng, đã đón 7 nguyên thủ quốc gia của những nền kinh tế hàng đầu thế giới đến thăm.

Trong khi các nhà đầu tư khác còn loay hoay “hỏi vợ” thì ông đã “yên bề gia thất”. Một đất nước đông dân (gần 60 triệu dân), diện tích gấp đôi Việt Nam, nhà cao tầng còn “lóm thóm, cũ kỹ” thì dự án của Hoàng Anh Gia Lai chiếm tới… 26% vốn đầu tư nước ngoài vào Myanmar! Hiện tại, giá cho thuê văn phòng hạng B 80 USD/m2, cao gấp 3 - 4 lần căn phòng hạng A tại TPHCM; khách sạn 300 - 400 USD/ngày đêm, phải đặt trước rất lâu. Sự nhanh chân, hoành tráng sẽ là chìa khóa thành công của bầu Đức, cũng là hình ảnh tự hào về đầu tư Việt Nam tại nước bạn.

Liên tiếp mua dự án

Thị trường đóng băng, tìm khách mua nhà đã khó rồi, huống chi lại đi mua dự án. Tại một buổi hội thảo về địa ốc cách nay chưa xa, vị phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM thốt lên: “Chỉ có Đất Xanh có tiền mua dự án, không biết tiền ở đâu ra”?

Tiền ở đâu không biết, nhưng vào giữa tháng 1-2013 ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh tuyên bố mới mua thêm hai dự án. Dự án tại quận Thủ Đức, thông tin lưu trên sở giao dịch chứng khoán ghi: dự án khu nhà ở phường Hiệp Bình Phước, diện tích khoảng 3,6ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng. Theo ông Thìn, tại đây sẽ xây dựng 5 lốc chung cư, phân khúc nhắm đến là thu nhập trung bình, sẽ khởi công vào quý 1-2013. Một dự án khác ở quận Gò Vấp, diện tích khu đất 3,2ha với 4 lốc chung cư, đã được Đất Xanh mua xong. Năm ngoái Đất Xanh mua lại hai dự án, Gia Phú với giá trị hợp đồng gần 250 tỷ đồng; Thiên Lộc tại Gò Vấp, với giá trị hợp đồng gần 300 tỷ đồng.

Tổng kết năm 2012, ông Lương Trí Thìn tự nhận ba cái được: doanh thu đạt 150%, lợi nhuận trên 100 tỷ đồng; thứ hai là từ quý 4 không nợ ngân hàng một xu nào; thứ ba, tiếp tục mua dự án. Làm sao có phép lạ như vậy? Ông Lương Trí Thìn nói: “Những năm 2009 về trước, khi nhận thấy dấu hiệu xấu của nền kinh tế, ngân hàng bơm vốn, hàng loạt người đi vay, tôi cảm nhận sự bất ổn. Dự báo như vậy, tôi quyết định phải cấu trúc lại toàn bộ hoạt động của công ty, danh mục đầu tư và vốn lẫn nợ. Do đó, ngay cả trong thời điểm thị trường khó khăn nhất, chúng tôi vẫn bình tĩnh đón nhận cơ hội qua việc mua dự án. Sản phẩm rẻ, được quản lý tốt đã đem đến lợi thế cạnh tranh vượt trội cho Đất Xanh”.

Khi địa ốc khó khăn, nhưng vẫn có doanh nghiệp tồn tại đi lên vững vàng. Có người “nằm xuống”, có người thành “danh tướng”, nhưng đây là cuộc chiến không bao giờ kết thúc, dành cho người có “suy nghĩ khác người”…


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP