Địa ốc Hà Nội tiếp tục rớt giá

Cập nhật 31/05/2011 08:10

Giá đất khu vực vùng ven giảm mạnh 2-15 triệu đồng mỗi m2, giao dịch gần như đóng băng, khiến giới đầu tư lo lắng nhưng các chuyên gia lại lạc quan coi đây là tín hiệu vui giúp thị trường tiệm cận giá trị thực.

Giá đất khu vực vùng ven giảm mạnh 2-15 triệu đồng mỗi m2, giao dịch gần như đóng băng, khiến giới đầu tư lo lắng nhưng các chuyên gia lại lạc quan coi đây là tín hiệu vui giúp thị trường tiệm cận giá trị thực.

Một số đất nền dự án hiện đua nhau giảm giá nhưng thanh khoản chậm. Giá giao dịch trao tay trên thị trường tại dự án Kim Chung - Di Trạch giảm trên dưới 10 triệu đồng mỗi m2. Geleximco cũng giảm trung bình khoảng 6 -12 triệu đồng tùy vị trí. Biệt thự dự án Tân Tây Đô vào thời điểm cuối tháng 3 được chào với giá trên dưới 55 triệu đồng mỗi m2 thì nay chỉ còn chào với giá 30-35 triệu đồng. Dự án An Hưng cũng giảm trung bình khoảng 4 triệu đồng mỗi m2. Liền kề dự án Park City trước kia chênh tiền tỷ thì nay chênh khoảng trên dưới 500 triệu đồng.

Đất thổ cư vốn được coi là bình ổn trước mọi cơn biến động nay cũng đã giảm nhẹ. Khu vực Thạch Bàn, cách đây hai tháng được chào với giá 60-65 triệu mỗi m2 thì nay hạ xuống còn 53-58 triệu đồng. Phố Tân Thụy thuộc phường Phúc Đồng, cách chân cầu Vĩnh Tuy 1.5 km giá cũng giảm giá trên dưới 2 triệu đồng. Tương tự, khu vực Gia Lâm cũng giảm tầm 1-2 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí.

Địa ốc Hà Nội chỉ đang đóng băng tạm thời. Ảnh: Hoàng Lan.

Đại diện một văn phòng nhà đất tại khu vực Long Biên cũng cho hay, trong suốt hơn 2 tháng nay, văn phòng anh chưa bán được một sản phẩm bất động sản nào. Khách hàng đến chủ yếu chỉ tìm hiểu, nghe ngóng thị trường. "Đầu năm vẫn còn giao dịch, dù là rất chậm. Nhưng thời gian gần đây, thị trường gần như đóng băng", anh này cho hay.

Chị Nguyễn Ngọc Chi, một môi giới trên đường Phạm Văn Đồng chia sẻ, rất nhiều dự án một thời đình đám nhưng đến nay đều giảm giá đến chóng mặt. "Điều đáng nói là dù giảm giá mạnh nhưng nhà đầu tư vẫn hờ hững. Ngân hàng siết vốn nên ít người dám liều. Chỉ những người có nhu cầu thực mới đến tham khảo nghe ngóng", chị Chi cho hay.

Đất giảm giá, nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Anh Nguyễn Văn Tiền, một nhà đầu tư lẻ cho hay, anh mua 2 lô đất nền dự án Kim Chung - Di Trạch với giá chênh hơn 400 triệu đồng. Anh phải vay ngân hàng 800 triệu đồng với lãi hằng tháng phải trả lên tới 16 triệu đồng. Thắt lưng buộc bụng, mấy tháng nay anh không dám ăn tiêu vì tiền lãi hằng tháng cũng đã ngất ngưởng bằng lương. "Thị trường hiện nay đang quá trầm lắng, trong khi lãi suất vẫn phải trả đều. Từ nay đến sang tháng, nếu không tìm được người mua, tôi sẽ phải bán tháo", anh Tiền lo lắng.

Các chuyên gia địa ốc cho rằng, bong bóng bất động sản chưa thể vỡ, địa ốc Hà Nội chỉ đang trong tình trạng đóng băng tạm thời. Hiện tượng giảm giá là một giá là một tín hiệu vui cho thấy thị trường đang tiệm cận giá trị thực.

Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc công ty cổ phần bất động sản B.D.S cho hay, thị trường bất động sản Hà Nội bấy lâu nay sốt ảo, các nhà đầu tư đẩy giá chênh hằng trăm triệu đồng so với giá gốc. Nay thị trường giảm giá nhưng thực chất chỉ là bớt khoản chênh mua bán trao tay. Theo ông Trường, địa ốc Hà Nội vẫn còn không minh bạch, ngoại trừ phân khúc chung cư cao cấp đang đang rập rịch trở về giá trị thực, chiết khấu từ giá gốc nên người bán vẫn tha hồ hét giá. Đối với phân khúc đất nền, nhà đầu tư mới chỉ giảm lợi nhuận kỳ vọng và thực chất họ vẫn có lãi.

Theo ông Trường, thị trường chỉ tạm thời đóng băng, chuyện một số nhà đầu cơ lỗ nặng, thậm chí đi đến phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra khi nguồn vốn bị thu hẹp. "Kinh tế vĩ mô đối mặt với lạm phát, ngân hàng siết vốn nên các nhà đầu tư buộc phải rút dần khỏi thị trường. Bấy lâu nay, thị trường sốt nóng chủ yếu do nhà đầu tư lướt sóng khuấy động, do đó khi nhà đầu tư đói vốn thì thị trường trầm lắng", ông Trường nhận định.

Ngày 20/5, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải xây dựng kế hoạch và duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm nay. Theo đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng bắt buộc phải giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán so với năm 2010.

Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nguồn vốn cho bất động sản sẽ tiếp tục khan hiếm nhưng trong tình hình hiện nay, bong bóng bất động sản sẽ không vỡ. Bởi thực tế, dù giảm giá song địa ốc vẫn ở mức cao chót vót so với giá trị thực.

Ông Võ nhấn mạnh bất động sản giảm giá là một tín hiệu vui cho thấy thị trường đang tiệm cận giá trị thực. Giảm giá là một hiện tượng tất yếu của việc kiềm chế lạm phát và đây là thời điểm thuận lợi cho những nhà đầu tư có tài chính vững cũng như người có nhu cầu ở thực. Đối với những người mua đất có tiền nhàn rỗi như một khoản đầu tư thì không chịu áp lực giảm giá, vì không chịu áp lực lãi suất ngân hàng. Ngược lại, nhưng nhà đầu cơ chuyên ôm 4-5 mảnh đất lướt sóng chịu lãi và áp lực đáo hạn ngân hàng sẽ phải bán tháo.

"Các nhà đầu cơ lướt sóng lo lắng vì lợi nhuận héo mòn song thực tế, đây là một điểm sáng cho thị trường để loại bỏ tư tưởng "ăn xổi ở thì" trong kinh doanh bất động sản. Thời điểm này thích hợp cho những người có nhu cầu thực đi mua nhà để ở", ông Võ nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress