Địa ốc Hà Nội đang hạ nhiệt

Cập nhật 11/06/2010 07:10

Đất làng khu vực phía Tây từng gây sốc trên thị trường với lượng người mua kẻ bán ồ ạt giờ đã vắng khách. Đất làng ở huyện Thạch Thất, đứng yên ở mức 3 triệu đồng mỗi m2. Khu vực Quốc Oai giữ giá khoảng 15-20 triệu đồng mỗi m2.

Sau cơn sốt tăng giá kỷ lục từ 35% đến 40%, thị trường địa ốc Hà Nội đang chững lại với lượng giao dịch giảm khoảng 40% so với tháng trước.

Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản B.D.S cho biết, lượng giao dịch trong 3 tuần trở lại đây đã giảm đến 40% so với tháng trước, thậm chí nhiều khu vực giá giảm nhẹ. Tiêu biểu nhất phải kể đến Geleximco trong hai tháng trước vào khoảng 37-38 triệu đồng mỗi m2 đến nay chỉ còn khoảng 35-36 triệu đồng. Đất nền tại Cienco 5 và khu vực Bắc Thăng Long cũng chỉ còn khoảng 13-14 triệu đồng, giảm từ 1 đến 2 triệu đồng mỗi m2. Dự án Minh Giang Đầm Và ở Mê Linh một thời làm mưa làm gió cũng giảm 0,5-1 triệu đồng, giá chào bán chỉ còn khoảng 17 triệu đồng mỗi m2.

Đất làng khu vực phía Tây từng gây sốc trên thị trường với lượng người mua kẻ bán ồ ạt giờ đã vắng khách. Đất làng ở huyện Thạch Thất, đứng yên ở mức 3 triệu đồng mỗi m2. Khu vực Quốc Oai giữ giá khoảng 15-20 triệu đồng mỗi m2.


Trong hai tháng qua, địa ốc Hà Nội đã tăng giá đến 40%. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Chị Hoàng Oanh, một môi giới trên đường Nguyễn Phong Sắc chia sẻ, giá đất bị đẩy lên quá cao, nhiều người không có khả năng chi trả nên thị trường chững lại. Khi giao dịch trở nên nhỏ giọt thì giới đầu cơ buộc phải xả hàng, hạ giá để bán tháo. Suốt từ đầu tháng 6 đến nay, chị chưa môi giới được bất cứ lô đất nào. Chị cho biết, nhiều văn phòng từ đầu tháng đến nay ngồi chơi dài, số khác bắt đầu chuyển hướng sang làm đất thổ cư. "Đây là giai đoạn có thể coi là ảm đạm nhất trong suốt hai năm làm nghề môi giới của tôi. Từ đầu năm đến nay, chưa bao giờ thị trường chững như thời điểm này", chị Oanh bộc bạch.

Thị trường chững lại, khách hàng càng chờ thời cơ để bắt "đáy". Anh Xuân Bách, một viên chức làm trong lĩnh vực ngân hàng tâm sự, khi giá đất bị đẩy lên cao anh không thể tiếp cận được với giá đất Hà Nội. Hai vợ chồng mới cưới từ đầu năm vẫn phải thuê nhà ở khu Giáp Bát với giá 2 triệu đồng mỗi tháng. Hiện anh nhắm tới khu đất ở huyện Đông Anh vì khu vực này sau khi tăng vọt giá cũng đã chững lại. "Với đà này, thị trường sẽ còn tiếp tục giảm. Đến lúc đó, cơ hội mua nhà càng nhiều hơn", anh Bách nói.

Giới chuyên gia nhận định, cơn sốt đất diễn ra hơn hai tháng qua chỉ là "sóng ngắn" của thị trường bất động sản, sau khi bị đẩy lên quá cao, giá sẽ phải điều chỉnh lại. Theo ông Trường, giá đất nền tại nhiều dự án đã tăng lên 40-60%, đặc biệt đất thổ cư tại một số khu vực tăng tới 200%. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư phải tạm ngừng mua vào để tránh rủi ro vì giá đã lên quá cao.

Dự thảo quy hoạch thủ đô vẫn còn nằm trên bàn nghị sự, chưa có quyết định chính thức. "Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi những định hướng rõ ràng về thông tin quy hoạch sau khi được đưa ra bàn luận tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, đặc biệt là việc xác định các đô thị vệ tinh, trung tâm hành chính quốc gia... để lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp”, ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, những biến động của nền kinh tế vĩ mô cũng có ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Thông tin không mấy lạc quan từ cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu, Mỹ khiến nhiều người cho rằng kinh tế thế giới có những diễn biến không thuận lợi thậm chí có thể xảy ra suy thoái kép và kinh tế Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ông Trường bổ sung, thị trường chứng khoán vốn được coi là “bình thông nhau” với thị trường bất động sản cũng lình xình suốt mấy tuần qua khiến nhà đầu tư ít nhiều bị hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nhà đất.

Còn ông Phạm Trung Hà, Tổng Giám đốc Hòa Phát Land bổ sung, việc các cơ quan chức năng vào cuộc cảnh báo tình trạng sốt ảo, kích giá cũng phần nào tác động đến tâm lý người dân. Chính phủ chỉ đạo cần giảm dần mặt bằng lãi suất ngân hàng, kiểm soát ổn định tỷ giá và tình hình tăng giá đất nóng ở Hà Nội khiến thị trường dần dần hạ nhiệt. Bộ Xây dựng cũng bàn bạc để đưa ra giải pháo hạ nhiệt cơn sốt. Đoàn kiểm tra liên ngành đã có báo cáo gửi UBND Thành phố về tình hình sử dụng đất đai của 33 đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn Ba Vì, Hà Nội.

"Chính động thái tích cực từ phía cơ quan chức năng đã phần nào bình ổn lại thị trường địa ốc. Thị trường đang có xu hướng dần trở về thời điểm cách đây 2 tháng", ông Hà nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress