Địa ốc còn hấp dẫn trong 10 năm tới

Cập nhật 18/01/2008 08:00

Dự báo, sự hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam sẽ còn kéo dài trong vòng 10 năm tới, với mức tăng trưởng khoảng 50 -100%...

Dự báo, sự hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam sẽ còn kéo dài trong vòng 10 năm tới, với mức tăng trưởng khoảng 50 -100%.

Trong những ngày đầu tháng 1/2008, UBND Thành phố Hà Nội đã chấp thuận phương án đầu tư của 3 dự án khách sạn 5 sao là Marriot đặt tại khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình của Công ty TNHH Bitexco; Dự án tổ hợp khách sạn - văn phòng cho thuê - căn hộ cao cấp đặt tại số 281 Đội Cấn và Dự án khách sạn - văn phòng cao cấp tại số 10 - Trấn Vũ (đều do Công ty Xúc tiến đầu tư Tổng cục Du lịch làm chủ đầu tư).

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đang triển khai mời thầu đối với các dự án: khách sạn Thượng Thanh (quận Long Biên), sân golf Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) và sân golf Phù Đổng, Dương Hà (huyện Gia Lâm). Còn Tổng công ty Du lịch Hà Nội cũng ký kết với đối tác nước ngoài triển khai Dự án trường đua ngựa tại khu vực Núi Đôi (huyện Sóc Sơn).

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, nhu cầu văn phòng cho thuê, khách sạn và căn hộ cao cấp tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp tục tăng nhanh. Trong danh mục các dự án mà Hà Nội kêu gọi đầu tư trong năm 2007, bất động sản đang là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nhất vào Thành phố. Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy một hướng đầu tư đầy hứa hẹn và chuẩn bị đổ vốn vào.

Theo ông Triệu Đình Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, năm 2007 là năm đầu tiên các khách sạn cao cấp và trung tâm thương mại có vốn đầu tư hàng tỷ USD được khởi công tại Hà Nội. Trước hết, phải kể đến Dự án Hanoi Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) với tổng vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD.

Tiếp đó là các dự án khách sạn cao cấp của Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) với số vốn đầu tư 500 triệu USD, khách sạn 5 sao Charmvit của một doanh nghiệp Hàn Quốc có vốn đầu tư 80 triệu USD... Ngoài ra, Dự án cải tạo Công viên Yên Sở thành khu vui chơi giải trí hiện đại do Tập đoàn Gamuda Land (Maylaysia) làm chủ đầu tư cũng đang tiếp tục quy hoạch mở rộng, với số vốn đầu tư lên đến gần 2 tỷ USD, dự kiến sẽ được cấp phép trong quý I/2008.

Theo ông Đỗ Đức Đôi, Vụ phó Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường), có nhiều lý do khiến thị trường bất động sản sôi động hơn. Thứ nhất, sau 1 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, khiến nhu cầu nhà ở, văn phòng của người nước ngoài cũng tăng theo. Thứ hai, do sự tích lũy cũng như kinh tế phát triển, nhiều người dân Việt Nam có khả năng mua nhà, đất. Bên cạnh đó, việc áp dụng một số chính sách cởi mở hơn trong việc cho phép người ngoại tỉnh nhập hộ khẩu vào các thành phố lớn cũng tác động tới thị trường này.

Mặt khác, theo Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đang có một làn sóng đầu tư từ châu Á đổ vào Việt Nam. Lý do là, tại các quốc gia phát triển, việc đầu tư vào bất động sản rất khó khăn vì hạ tầng của họ đã khá đầy đủ, trong khi Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của tiến trình đô thị hóa, với dân số tại các thành phố lớn tăng nhanh, nhu cầu về nhà ở, văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khách sạn rất cao. Dự báo, sự hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn kéo dài trong vòng 10 năm tới, với mức tăng trưởng khoảng 50-100%.

Theo Đầu Tư