Giải ngân chậm, tiến độ triển khai dự án thành phần chậm khiến công tác di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La cũng chậm theo, làm cuộc sống...
Giải ngân chậm, tiến độ triển khai dự án thành phần chậm khiến công tác di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La cũng chậm theo, làm cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng.
Ngày 17/3, tại cuộc họp về kết quả giám sát "Việc thực hiện di dân tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La" do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, Phó trưởng đoàn giám sát Mã Điền Cư cho biết: "Tiến độ thực hiện dự án chậm so với quy hoạch và kế hoạch hằng năm sẽ gây áp lực lớn cho thời gian còn lại, ảnh hưởng đến chất lượng tái định cư và đời sống của người dân sau tái định cư".
Đoàn giám sát cho rằng, việc một số nơi chưa thực hiện giao đất sản xuất khiến đời sống của không ít đồng bào gặp nhiều khó khăn, do không có việc làm và nguồn sống chủ yếu dựa vào hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, mới chỉ có 4.268 hộ nhận được đất sản xuất, với tổng diện tích hơn 5.000 ha.
Tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ cũng chậm trễ, mới có 1.850 hộ nhận được hỗ trợ sản xuất với tổng số tiền 26 tỷ đồng, gần 12.000 hộ được hỗ trợ làm nhà với số tiền hơn 757 tỷ đồng. Tính chung lại, đến hết năm 2008, dự án mới giải ngân được 3.7612 trong số 6.511 tỷ đồng, đạt 57,8% kế hoạch giao trong bốn năm (từ 2004 đến 2008).
Việc bổ sung cơ chế đặc thù trong thu hồi đất, giao đất ở, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu tái định cư diễn ra quá chậm. Việc đền bù mới chỉ thực hiện đối với đất và tài sản bị thiệt hại, còn thiệt hại vô hình khác như thu nhập, kinh tế... vẫn chưa được tính đến. Nhiều điểm tái định cư đã đón dân nhưng công trình công cộng như trường học, trạm xá, nhà văn hoá… chậm được xây dựng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đó là chưa kể mức hỗ trợ di dân vẫn còn thấp và chưa thể giúp người dân ổn định cuộc sống.
Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, việc chi trả, đền bù tiến hành quá chậm, khiến người dân gặp khó khăn khi trượt giá. Cũng có những trường hợp chấp nhận di dời nhưng chưa được đền bù nên họ phải vay nợ với lãi suất cao để ổn định cuộc sống ở nơi ở mới. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát K’so Phước phân tích: "Khi xây dựng nơi ở mới cho dân, do chưa lập phương án phát triển trồng trọt, chăn nuôi khiến dân không ổn định được sản xuất. Đây là điểm yếu cần phải khắc phục".
Trong tổng số 1.889 dự án thành phần theo quy hoạch, các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên (ba địa phương trong phạm vi ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án) mới triển khai 1.356 dự án, phê duyệt 1.206 dự án, khởi công 772 dự án và mới chỉ có 358 dự án được đưa vào sử dụng. Tính đến hết năm 2008, các tỉnh mới triển khai xây dựng các công trình thiết yếu đủ điều kiện để ổn định cho 16.122 trong số 20.249 hộ dân. Trong khi đó, số hộ dân di chuyển đến các khu tái định cư cũng đạt tỷ lệ thấp, khi cả ba địa phương mới di dời được hơn 12.500, đạt 62%.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt