Không trình chỉ định thầu cho Thủ tướng như trước đây nữa.
Ngày 8/8, Hội nghị Kế hoạch và Đầu tư toàn quốc tiếp tục diễn ra, phiên thảo luận và quán triệt triển khai thực hiện Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành luật này được nhiều người quan tâm.
Tốt thì trúng thầu, kém sẽ bị loại bỏ
Theo đó, để loại các nhà thầu yếu kém nhưng luôn bỏ thầu thấp, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT), cho biết luật và nghị định lần này quy định cho phép việc mở thầu sẽ được tiến hành hai lần. Theo đó, hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sẽ được mở tiếp hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá. “Như vậy, yếu tố giá sẽ không ảnh hưởng tới quá trình đánh giá đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu, từ đó sẽ chọn được nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm, đáp ứng về yêu cầu kỹ thuật của gói thầu. Nhà thầu nào làm tốt, có uy tín ở các dự án trước đây càng có cơ hội trúng thầu, còn nhà thầu yếu kém càng bất lợi và sẽ bị loại bỏ” - ông Tăng cho hay.
Cũng theo ông Tăng, quy định mới cũng không trình chỉ định thầu cho Thủ tướng như trước đây nữa. “Tất cả phải thông qua đấu thầu. Sẽ không còn việc các nhà thầu vất vả nài nỉ để được mua hồ sơ hay tình trạng mời gọi nhà thầu nhưng làm như đuổi nhà thầu nữa. Từ nay sẽ chấm dứt chuyện đó” - ông Tăng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết Luật Đấu thầu 2013 sẽ thay đổi toàn diện công tác đấu thầu hiện nay theo hướng minh bạch, công khai và chống tham nhũng tốt nhất. Ảnh: LÊ PHI
|
Ông Tăng cũng thông tin, quy định mới sẽ cho phép áp dụng hình thức đấu thầu điện tử để tạo ra sự minh bạch, chống các hiện tượng tiêu cực trong đấu thầu. Ông Tăng nói: “Hiện nay cả thế giới người ta đấu thầu qua điện tử. Đấu thầu qua mạng thì không cần phải mua hồ sơ mời thầu, không ai biết ai. Ai đấu thầu, ai chủ thầu, chủ đầu tư sẽ không biết mặt nhau. Như vậy sẽ minh bạch và hạn chế được tham nhũng. Chứ làm như hiện nay “quân xanh, quân đỏ”, “phù dâu, phù rể”, “chân rết” biết hết. Rất tiêu cực. Chỉ cần ngồi ở quán nước là biết hết hồ sơ như thế nào, ai trúng, ai mở thầu cả rồi”.
Siết trách nhiệm bồi thường thiệt hại và giải trình
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng cho biết trước đây lạm phát tăng lên nên giá bỏ thầu liên tục thay đổi. Luật lần này đưa ra tiêu chí đấu thầu trọn gói. Đây chính là điểm từng thách thức Việt Nam nhiều năm nay nhưng giờ đây chúng ta đã làm được. Mặt khác, Luật Đấu thầu lần này cũng phân cấp triệt để về việc quyết định hình thức chỉ định thầu cho người có thẩm quyền (bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp) mà không yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Người có thẩm quyền cũng có quyền phê duyệt kế hoạch, giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm, hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả. “Bên cạnh việc phân cấp là quy định chặt chẽ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và giải trình, bị xử lý trách nhiệm cá nhân khi người có thẩm quyền trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu có sai phạm” - Bộ trưởng Vinh cho hay.
Cục trưởng Lê Văn Tăng cho biết thêm những người vi phạm về Luật Đấu thầu còn bị xử lý bằng các hình thức như cảnh cáo phạt tiền, cấm tham gia hoạt động trong lĩnh vực đấu thầu, truy cứu trách nhiệm hình sự và đối với cán bộ, công chức cũng bị xử lý theo luật định. “Luật không chừa trường hợp ngoại lệ nào” - ông Tăng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tăng, Luật Đấu thầu lần này cũng tạo điều kiện ưu tiên cho nhà thầu trong nước trúng thầu để tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước. Đồng thời, luật cũng ưu đãi cho nhà thầu sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Điều này nhằm thực hiện chủ trương “khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.
DiaOcOnline.vn - Theo PLO