Đến lượt người dân kêu

Cập nhật 18/06/2010 10:40

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều người dân như đang “ngồi trên lửa” khi quy định mới (nghị định 69 của Chính phủ) buộc hộ gia đình, cá nhân phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường trong điều kiện bình thường khi chuyển mục đích sử dụng đất, được giao đất.

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều người dân như đang “ngồi trên lửa” khi quy định mới (nghị định 69 của Chính phủ) buộc hộ gia đình, cá nhân phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường trong điều kiện bình thường khi chuyển mục đích sử dụng đất, được giao đất.

 
Người dân nộp hồ sơ đóng tiền sử dụng đất tại Chi cục Thuế quận 3, TP.HCM (ảnh chụp sáng 17-6) - Ảnh: Minh Đức

Hiện nay, hàng loạt hồ sơ bị ách tại các chi cục thuế do các cơ quan này đã ngưng thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp trên. Theo quy định trước đây, các chi cục thuế căn cứ vào bảng giá đất do UBND TP.HCM ban hành hằng năm để tính tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trong tất cả trường hợp như hợp thức hóa nhà đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Bảng giá đất này, theo các chuyên gia, chỉ bằng 20-30% giá thị trường. Nay thu theo giá thị trường trong điều kiện bình thường (viết tắt là giá thị trường), người dân phải nộp tiền sử dụng đất tăng gấp 3-4 lần so với trước đây.

Không muốn vẫn phải mắc nợ


Đề nghị thu theo bảng giá hiện hành

Trong thời gian chờ ý kiến của Chính phủ, nhiều người đề xuất TP.HCM nên cho phép các chi cục thuế thu tiền sử dụng đất theo bảng giá do TP ban hành và người dân có cam kết nếu Chính phủ quyết định thu theo giá thị trường thì họ phải đóng thêm số tiền chênh lệch này. Cách làm này có thể đảm bảo thực hiện đúng quy định, đồng thời giải quyết được ách tắc hiện nay.
Bà N.K.T. có hơn 1.000m2 đất nông nghiệp tại Q.Thủ Đức (TP.HCM). Đầu năm nay bà T. làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và rao bán đất với ý định dùng tiền đặt cọc của người mua để đóng tiền sử dụng đất.

Bà T. đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng hơn 500 triệu đồng và cam kết khoảng tháng 4-2010 sẽ có giấy chứng nhận để giao cho người mua. Nhưng khi cơ quan chức năng Q.Thủ Đức chuyển hồ sơ của bà T. sang Chi cục Thuế quận để đóng tiền sử dụng đất thì bị ách lại cho đến nay do “phải chờ chỉ đạo của cấp trên” mới giải quyết. Bị trễ hẹn giao dịch, người mua đất của bà T. đòi hủy hợp đồng và yêu cầu bà bồi thường gấp đôi tiền cọc.

Bà T. phải giao bản sao biên nhận nộp hồ sơ để người mua đất đến Chi cục Thuế Q.Thủ Đức kiểm tra mới yên chuyện.

Một trường hợp khác cũng “dính” vào tiền sử dụng đất là ông T.V.H. ở Q.2. Ông H. làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng hơn 100m2 đất để xây nhà ở nhưng cơ quan chức năng quận giải thích phải chờ văn bản hướng dẫn của UBND TP về cách tính tiền sử dụng đất. Do kế hoạch khởi công xây nhà đã định không thể dời lại, cuối cùng ông H. phải chọn cách ghi nợ tiền sử dụng đất để được giải quyết sớm hồ sơ, dù ông đủ khả năng đóng tiền sử dụng đất. Như vậy ông H. phải mang nợ bất đắt dĩ dù không hề muốn và ông rất lo vì theo quy định, khi đóng tiền sử dụng đất sẽ tính theo mức giá ở thời điểm trả nợ, tức cao hơn số tiền hiện nay ông phải nộp.

Theo UBND các quận huyện, hiện vẫn nhận hồ sơ xin giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất của người dân, thụ lý bình thường và sau đó chuyển cho các chi cục thuế tính tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, một cán bộ UBND Q.Bình Tân cho biết hiện có hàng trăm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của người dân chưa được giải quyết, phải chờ hướng dẫn. Tại Chi cục Thuế Q.Thủ Đức, tính đến hết tháng 5-2010 có 120 hồ sơ của người dân bị ách lại... Tình trạng này xảy ra nhiều nhất tại các quận ven, huyện ngoại thành.

Chờ Chính phủ quyết định

Quy định thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường nhưng thủ tục để xác định giá thị trường cũng rối rắm, phức tạp và mất khá nhiều thời gian. Theo lãnh đạo một quận, muốn biết giá đất thị trường là bao nhiêu để tính tiền sử dụng đất, mỗi người dân phải tự thuê công ty thẩm định giá. Mức giá này phải thông qua hội đồng thẩm định giá của TP thẩm định lại...

Thử hình dung nếu toàn bộ hồ sơ giao đất, xin chuyển mục đích sử dụng đất của người dân (chưa kể doanh nghiệp) đều phải qua bước thủ tục này thì không biết phải có bao nhiêu công ty thẩm định giá, cán bộ chuyên ngành để đáp ứng nhu cầu này vì lượng hồ sơ rất lớn. Trong khi theo cách làm trước đây, các cơ quan chức năng chỉ cần căn cứ vào bảng giá đất của TP quy định để tính tiền sử dụng đất.

Trong khi UBND các quận huyện, cơ quan thuế trả lời người dân rằng hồ sơ của họ chưa giải quyết được vì phải chờ hướng dẫn của UBND TP thì TP đã kiến nghị Chính phủ về vấn đề này và đến nay chưa nhận được trả lời. Theo một cán bộ ngành tài nguyên - môi trường, người dân đã một lần mua đất theo giá thị trường, nay nếu thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường chẳng khác nào họ phải “mua” lại đất của mình một lần nữa. Và ngay cả một số cơ quan thẩm quyền ở trung ương cũng còn ý kiến khác nhau xung quanh chuyện này.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ