Đền bù theo chính sách mới tại Thủ Thiêm: Phát sinh nhiều tranh chấp

Cập nhật 12/03/2009 10:50

Ước tính có đến 80% hộ dân thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bán suất tái định cư. Do vậy, đang phát sinh thêm nhiều tranh chấp...

Ước tính có đến 80% hộ dân thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) đã bán suất tái định cư (TĐC). Do vậy, đang phát sinh thêm nhiều tranh chấp tại dự án này sau khi QĐ 06 của UBND TPHCM ra đời. Phường An Khánh là nơi có số hồ sơ tranh chấp nhiều nhất, không chỉ liên quan đến việc mua bán suất TĐC mà còn liên quan đến việc mua hồ sơ bồi thường.

Đầu cơ hồ sơ bồi thường?

Sau khi UBND TPHCM ban hành QĐ 06 về sửa đổi bổ sung một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và TĐC trong khu quy hoạch xây dựng KĐTMTT và các khu phục vụ TĐC trên địa bàn quận 2, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BBTGPM) quận 2 đã nhận khoảng hàng trăm đơn tranh chấp; riêng phường An Khánh đã nhận được gần 70 đơn.

Nhưng lạ nhất là nhiều vụ tranh chấp vì mua hồ sơ bồi thường. Cụ thể, tháng 10-2008, ông Trần M.H (ngụ tại phường An Lợi Đông quận 2) mua của bà Phạm T.N toàn bộ hồ sơ bồi thường của diện tích nhà đất số 16/5 Bis tổ 59 ấp 4 phường An Khánh, với giá 50 triệu đồng.

Theo thỏa thuận, 50 triệu đồng này là tiền mua bộ hồ sơ chứ không phải mua suất TĐC. Vì thế, bà N đã nhận đủ tiền đền bù và hỗ trợ (2 lần) gần 1,4 tỷ đồng. Khi có chính sách hỗ trợ mới, bà N tìm đến ông H, thương lượng trả thêm 50 triệu đồng để chuộc lại hồ sơ.

Ông H không chịu mà đòi bà N. phải trả 700 triệu đồng vì trong thỏa thuận bằng giấy tay, bà N đã cam kết sau này Nhà nước có hỗ trợ thêm hoặc hồi tố đối với diện tích nhà đất này thì ông H được hưởng tất cả.

Hai bên thương lượng không được nên ông H đã gửi đơn đến UBND phường An Khánh để ngăn chặn không cho bà N nhận hỗ trợ bồi thường bổ sung theo QĐ 06. UBND phường An Khánh hòa giải không thành, nên chuyển vụ việc qua tòa án để giải quyết theo tranh chấp dân sự.

Không chỉ mua hồ sơ bồi thường của bà N, ông H còn mua thêm một số hồ sơ khác và cũng đã gửi thêm 1 đơn ngăn chặn nữa đến UBND phường An Khánh. Theo một lãnh đạo phường An Khánh, kiểu mua bán của ông H có dấu hiệu “đầu cơ”, vì không cớ gì lại đi mua một bộ hồ sơ như những tờ giấy lộn với giá vài chục triệu đồng.

Cũng theo vị lãnh đạo này, số hồ sơ bị ngăn chặn ngày một tăng. Đến nay, phường đã tiến hành hòa giải cho khoảng 10 trường hợp nhưng đa số là không thành, 4 trường hợp rút đơn và có trường hợp đã chuyển qua tòa án.

Tranh chấp: chưa chi hỗ trợ bổ sung

Hiện vẫn chưa có trường hợp tranh chấp nào được chi trả bổ sung theo QĐ 06. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND phường An Khánh, đối với những trường hợp hòa giải thành thì phường sẽ chi tiền bồi thường cho hai bên.

Từ khi có QĐ 06 của UBND TP với mức hỗ trợ bổ sung tăng gấp 4 lần, tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng ủy quyền (thực chất là bán suất TĐC) trước đây ngày càng nhiều. Chúng tôi đã gặp một số trường hợp trong số đó. Như vụ tranh chấp phiếu TĐC giữa bà Đoàn T.H với bà Nguyễn T.T tại phường An Phú (năm 2004, bà H. mua phiếu TĐC của bà T. với giá 80 triệu đồng).

Năm 2006, chính sách thay đổi, với diện tích bị thu hồi hơn 2.000m² đất nông nghiệp, bà T được hỗ trợ thêm một căn hộ chung cư trên 105m² (nếu không nhận căn hộ thì được nhận hỗ trợ thêm khoảng hơn 421 triệu đồng). Bà H cho biết, mặc dù đã mua suất TĐC nhưng bà H vẫn trả thêm cho bà T. 430 triệu đồng để sau này nhận căn hộ TĐC dù chưa biết ở đâu và chính xác bao nhiêu m2.

Đồng thời, bà H đã yêu cầu bà T viết cam kết sẽ không nhận bất cứ hỗ trợ gì sau này. Khi có QĐ 06, bà H. lên BBTGPMB quận 2 hỏi khi nào nhận được nhà thì được trả lời giấy ủy quyền năm 2004 đã hết hiệu lực. Bà H yêu cầu bà T. làm giấy ủy quyền mới nhưng bà T không chịu vì muốn “chia” số tiền hỗ trợ bổ sung theo QĐ 06. Hiện bà H đã gửi đơn tranh chấp lên UBND phường An Phú. Những trường hợp tranh chấp kiểu như trên là không ít tại Thủ Thiêm hiện nay.

Theo BBTGPMB quận 2, mặc dù Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài trong tháng 1-2009 đã giao cho Sở Tư pháp hướng dẫn những trường hợp được ủy quyền để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ và TĐC nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.

Do đó, Trưởng BBTGPMB Hứa Ngọc Thảo đã kiến nghị UBND quận 2 chấp thuận cho tạm ngưng việc giải quyết chi tiền bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho người được ủy quyền trong khi chờ hướng dẫn của TP. Tuy nhiên, theo BBTGPMB, sẽ xem xét hồ sơ tranh chấp theo từng nội dung ủy quyền, thời hiệu ủy quyền... của từng hồ sơ nhưng việc chi trả tiền hỗ trợ chỉ giải quyết cho người đứng tên hồ sơ gốc.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng