Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - đại diện cho Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc (BEDC) đã có văn bản báo cáo Chính phủ về đề án chuyển nhượng quyền thu phí đường cao tốc...
Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - đại diện cho Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc (BEDC) đã có văn bản báo cáo Chính phủ về đề án chuyển nhượng quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận, trong đó đề xuất được thu phí giao thông trong 40 năm.
BIDV đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách, bao gồm: cho phép thời gian thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận là 40 năm; được hoàn trả ngân sách vốn đầu tư xây dựng đoạn TPHCM- Trung Lương trong 4 năm sau khi được bàn giao quyền quản lý đoạn đường này. Ngoài ra, nhà đầu tư còn đề nghị Chính phủ chỉ định BIDV làm đầu mối thu xếp vốn, trực tiếp cấp tín dụng thương mại cho BEDC vay vốn để đầu tư.
Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được khởi công tháng 12-2004, là một phần của tuyến đường cao tốc TPHCM- Cần Thơ (gồm 3 đoạn TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ) với mục tiêu rút ngắn khoảng cách và thời gian giữa trung tâm kinh tế TPHCM với vùng ĐBSCL. Đoạn đường TPHCM - Trung Lương dài 61,9 km, do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là chủ đầu tư công trình này.
Vào năm 2008, chủ đầu tư xin được điều chỉnh vốn từ 6.555 tỉ đồng lên 9.884 tỉ đồng do trượt giá quá lớn và thời gian xây dựng kéo dài. Cuối năm 2008, một liên danh gồm các tập đoàn, tổng công ty lớn do BIDV làm đại diện lập ra BEDC và đề xuất được mua lại quyền khai thác dự án này.
Theo kế hoạch ban đầu, đường TPHCM- Trung Lương sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2007, nhưng do khâu giải phóng mặt bằng, việc điều chỉnh dự án và những khó khăn về nguồn vốn nên thời gian hoàn thành dự án dự kiến kéo dài thêm 2 năm. Trong giai đoạn 1, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sẽ có 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án gần 9.900 tỉ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG