Đề xuất cải tạo phố cổ Chợ Lớn

Cập nhật 22/02/2013 09:01

Hơn 200 căn nhà phố và các di tích có giá trị (di sản) ở khu vực Chợ Lớn vừa được Công ty tư vấn DCU (Tây Ban Nha) lập danh mục cùng đề xuất các nguyên tắc bảo tồn gởi đến cơ quan chức năng của TPHCM, theo TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc quy hoạch, thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM.

Hơn 200 căn nhà phố và các di tích có giá trị (di sản) ở khu vực Chợ Lớn vừa được Công ty tư vấn DCU (Tây Ban Nha) lập danh mục cùng đề xuất các nguyên tắc bảo tồn gởi đến cơ quan chức năng của TPHCM, theo TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc quy hoạch, thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM.

Dãy nhà được xác định có giá trị di sản trên đường Triệu Quang Phục - phố cổ Chợ Lớn. Ảnh: ĐB

Ông Tuấn cho biết đó là kết quả của Dự án nghiên cứu bảo tồn và cải tạo phố cổ Chợ Lớn, do Chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ kỹ thuật (đơn vị tư vấn DCU). Nghiên cứu này cho thấy khu phố cổ Chợ Lớn là khu vực mang nét đặc trưng rất riêng, có ý nghĩa lịch sử về cảnh quan văn hóa và giá trị về di sản kiến trúc đô thị. Cho nên, theo đơn vị tư vấn, chính quyền TPHCM cần có các chính sách để tạo khuôn khổ cho việc bảo tồn và phát triển ở khu vực này.

Trước khi đưa ra khuyến nghị trên, đơn vị tư vấn đã xem xét dự án trên diện tích 68 héc ta, hướng tới ba mục đích: (i) tăng cường bảo vệ và phục hồi các tài sản di sản; (ii) tăng cường không gian công cộng; và (iii) thúc đẩy phát triển kinh tế, cũng có vị trí Chợ Lớn như một địa điểm cho các doanh nghiệp phát triển các hoạt động du lịch.

Sau nhiều cuộc họp tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, điều tra xã hội học, lập bản đồ xã hội về văn hóa và nhà ở, thảo luận với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý, phân tích về cấu trúc đô thị và các vấn đề kinh tế - xã hội, xem xét quá trình đô thị hóa… đơn vị tư vấn đã lập hồ sơ kiểm kê di sản (phân loại, đánh giá giá trị hơn 200 căn nhà phố và các di tích) và đưa ra hướng dẫn thiết kế đô thị cho khu vực này.

Cụ thể, đơn vị tư vấn đã đưa ra những đề xuất như tăng diện tích không gian công cộng chợ Bình Tây và nâng cấp quảng trường phía trước; củng cố hình ảnh Chợ lớn; phục hồi hệ thống kênh Hàng Bàng; nâng cấp mặt đường cho người đi bộ… Để giữ gìn các tài sản di sản văn hóa (cả hữu hình và vô hình), đơn vị tư vấn còn đề xuất quy hoạch sử dụng đất trong khu vực, giảm lưu lượng giao thông và bãi đậu xe, tăng cường không gian công cộng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện phát triển mới, đơn vị tư vấn đề xuất phát triển ở trục đường Hải Thượng Lãn Ông và đại lộ Võ Văn Kiệt. Tuy nhiên, phát triển phải kiểm soát chiều cao, xác định mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất phù hợp…

Nhưng điều trước mắt cần làm, theo đơn vị tư vấn, thành phố phải có các giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp và phá dỡ nhà cửa mặt phố ở Chợ Lớn; phục hồi cải thiện mặt tiền nhà cửa mặt phố và nâng cấp hạ tầng dọc theo tuyến đường Phú Định và Nguyễn Án…

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG