Đề xuất này được đánh giá là sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Bộ Xây dựng đã đề xuất việc các chủ đầu tư không bị bắt buộc giới thiệu và bán sản phẩm qua các sàn giao dịch bất động sản như hiện nay, mà có thể bán hàng trực tiếp cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Huyền Mến, một môi giới bất động sản lâu năm cho rằng, đề xuất không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn của Bộ Xây dựng là rất hợp lý trong bối cảnh thị trường bất động sản còn ít thanh khoản như hiện nay. Nó sẽ góp phần giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian, đặc biệt tránh được những khoản tiền chênh không đáng có.
Ảnh minh họa
|
Chị Mến cho rằng, để mở một sàn bất động sản thì chỉ cần có vốn 3 tỷ đồng, trong khi chủ đầu tư muốn làm một dự án phải có vốn vài trăm tỷ đồng. Vậy mà rất nhiều chủ sàn thời gian qua lại không làm đúng chức năng tư vấn, mà trở thành nhà đầu tư thứ cấp, lấy hàng bán cho dân. Người dân mua qua sàn như thế là mạo hiểm, vì lúc mất tiền không biết kêu ai.
Với ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT Sàn bất động sản DJT thì có đánh giá lạc quan hơn, ông cho rằng: “Việc giao dịch qua sàn là một bước tiến dài, giúp thị trường minh bạch. Tuy nhiên, nhiều sàn cũng làm không đúng chức năng, gây mất niềm tin, nếu Bộ Xây dựng đề xuất quy định mới, qua sàn hay không thì cũng phải có cách quản lý để thị trường minh bạch”.
Nhiều chuyên gia trên thị trường cho rằng, việc năm 2006 Bộ Xây dựng ra quy định bắt buộc chủ đầu tư phải bán hàng qua sàn là trái với thông lệ giao dịch bất động sản trên thế giới, bởi giao dịch theo hình thức nào là hoàn toàn do quyền của người mua và người bán. Việc bắt buộc giao dịch qua sàn là cơ chế tạo điều kiện cho bên thứ ba là sàn giao dịch trở thành nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nâng giá bất động sản, làm xáo trộn, tạo giá ảo trên thị trường.
Việc Bộ Xây dựng sửa sai bằng cách đề xuất không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn đang được nhiều thành viên trên thị trường ủng hộ, với hy vọng sẽ làm ấm thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV