Để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển vững chắc

Cập nhật 02/04/2009 15:35

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cùng lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS đã có những phát biểu quan trọng đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong kinh doanh...

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cùng lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS đã có những phát biểu quan trọng đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong kinh doanh BĐS trước đông đảo chuyên gia giới kinh doanh tại TP.HCM. Baoxaydung.vn xin lược ghi những thông tin quan trọng này.

Kể từ khi đổi mới (1986) thị trường BĐS từng bước hình thành và phát triển. Nhưng thị trường thực sự phát triển kể từ khi ban hành Pháp lệnh nhà ở năm 1991 và Luật Đất đai năm 1993. Từ đó đến nay, thị trường BĐS phát triển đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đã được hình thành làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá…

Trong sự phát triển đó, Nhà đã tạo "sân chơi", tạo hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường. Nhà nước đã quản lý điều hành thị trường, làm "trọng tài" giữa các chủ thể tham gia thị trường và định hướng phát triển thị trường BĐS phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, Nhà nước cũng có vai trò tham gia thị trường với tư cách là bên cung và bên cầu trên thị trường BĐS. Nhà nước tham gia cung đất đai và một số BĐS thiết yếu cho nhu cầu phát triển kinh tế mà thị trường không muốn hoặc không đủ sức tham gia như hạ tầng kỹ thuật, nhà ở cho người thu nhập thấp và cung ứng bất động sản để chủ động điều tiết thị trường... Ngoài ra, Nhà nước cũng là bên cầu lớn của thị trường BĐS như các công trình công cộng, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Để thực hiện được các vai trò nói trên của mình, Nhà nước phải sử dụng một hệ thống các công cụ quản lí vĩ mô để điều khiển, tác động vào thị trường BĐS như công cụ luật pháp, tài chính, thuế, quy hoạch, dịch vụ công v.v.. nhằm giải quyết hài hoà các mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể tham gia hoạt động trên thị trường BĐS cũng như giải quyết được mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với giữ gìn môi trường sinh thái v.v..



Thị trường BĐS ở nước ta chưa phát triển đúng tầm. Ảnh Đoàn Thanh.


Và điều này đã được thể hiện: Thông qua việc ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư.. và nhiều văn bản dưới Luật nhằm hướng dẫn thị trường dần đi vào quỹ đạo, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS cả trong và ngoài nước; Thông qua các chương trình, dự án phát triển nhà, phát triển các khu đô thị mới, các dự án đầu tư khác, hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở, nhà xưởng cho sản xuất kinh doanh cơ bản đáp ứng được nhu cầu đô thị hóa và công nghiệp hóa của đất nước; Thông qua việc hình thành các tổ chức dịch vụ hỗ trợ thị trường như môi giới, định giá, sàn giao dịch BĐS .. góp phần hoàn thiện cơ cấu cho thị trường BĐS ; Thông qua các chính sách thuế và tín dụng liên quan đến thị trường BĐS đã hỗ trợ đắc lực cho thị trường phát triển...

Tuy nhiên, Thị trường BĐS ở nước ta chưa phát triển đúng tầm và còn một số hạn chế. Thị trường phát triển không đồng đều và thiếu ổn định. Tính cạnh tranh, minh bạch của thị trường bất động sản từ khâu tạo lập đến hoạt động giao dịch mua bán của thị trường còn yếu.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, khắc phục được những khuyết tật để thị trường ổn định, hạn chế những tác động xấu của thị trường BĐS đối với nền kinh tế, trong thời gian tới cần phải: Hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy và quản lý thị trường BĐS phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và lành mạnh, đúng định hướng XHCN; Bổ sung hành lang pháp lý để hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: quỹ tín thác BĐS, quỹ đầu tư BĐS, quỹ phát triển nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường; Cân đối cung - cầu hàng hoá cho thị trường BĐS, đặc biệt là BĐS nhà ở, bảo đảm chủ động bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; Quản lý và nâng cao năng lực các chủ thể tham gia thị trường BĐS trong đó có các tổ chức hỗ trợ thị trường như sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân định giá, các tổ chức, cá nhân môi giới, tư vấn về BĐS; Hoàn thiện hệ thống thông tin, dự báo thị trường BĐS ; Đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với thị trường BĐS.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng