Để nguời dân vay vốn từ gói 30.000 tỉ đồng không khó như “leo cột mỡ”

Cập nhật 18/02/2014 08:40

Đầu tháng 6/2013, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng được tung ra với đối tượng cho vay là người thu nhập thấp, doanh nghiệp xây nhà xã hội hoặc từ nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm triển khai, tốc độ giải ngân vẫn chậm do nhiều nguyên nhân.

Đầu tháng 6/2013, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng được tung ra với đối tượng cho vay là người thu nhập thấp, doanh nghiệp xây nhà xã hội hoặc từ nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm triển khai, tốc độ giải ngân vẫn chậm do nhiều nguyên nhân.

Phần lớn 30.000 tỉ vẫn nằm trong ngân hàng

Với mục tiêu hỗ trợ người lao động hưởng lương ngân sách, người thu nhập thấp tạo lập nhà ở với lãi suất thấp, qua đó giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và làm ấm thị trường bất động sản, đầu tháng 6/2013, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được đưa ra với tỉ lệ phân bổ: dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. 70% còn lại dành cho người dân vay mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Ngay sau khi thông tin về gói 30.000 tỉ đồng được công bố, không chỉ các doanh nghiệp đang gặp khó về vốn để hoàn thiện dự án mà hàng trăm ngàn gia đình đang khó khăn về nhà ở khấp khởi hy vọng sẽ sớm được tiếp cận nguồn vốn này. Bởi theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến năm 2015, trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn. Trong đó, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn, cụ thể: Hà Nội cần 111.200 căn; TP HCM cần 134.000 căn; Đà Nẵng cần 16.000 căn; Đồng Nai cần 95.000 căn; Bình Dương cần 104.000 căn… nghĩa là đang có hàng triệu người cần mua nhà được hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, thực tế đã không như mong đợi khi để có thể vay vốn từ chương trình đang có quá nhiều thủ tục. Tính đến hết ngày 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết cho 13 doanh nghiệp và 1.764 khách hàng cá nhân vay với tổng số tiền 1.759 tỉ đồng. Trong đó, 7 doanh nghiệp đã nhận được số tiền giải ngân là 304 tỉ đồng và 5 ngân hàng đã giải ngân cho 1.750 khách hàng với dư nợ 428,5 tỉ đồng, đưa tổng số tiền giải ngân từ gói 30.000 tỉ đồng lên 732,5 tỉ đồng.

Lý giải cho việc chậm giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, Bộ Xây dựng cho rằng một trong những nguyên nhân là do nguồn cung căn hộ đáp ứng được tiêu chí cho vay còn khan hiếm.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện nay có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 34.837 căn, tổng mức đầu tư khoảng 20.567 tỉ đồng; có 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng căn hộ ban đầu là 31.999 căn hộ, điều chỉnh thành 40.500 căn hộ (tăng 8.501 căn).

Nhưng còn một nguyên nhân nữa là chính từ các ngân hàng. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, một số ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ triển khai việc cho vay cũng còn quá thận trọng, dẫn đến việc chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng cho vay vốn.


Theo ông Nam, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với nhà ở xã hội, xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai, thủ tục giao dịch bảo đảm trong việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng mà hiện nay chưa được điều chỉnh bởi pháp luật có liên quan.

Sẽ có những chính sách cởi mở hơn

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân gói 30.000 tỉ này, ngày 31/10/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 18/2013/TT-BXD, trong đó mở rộng thêm đối tượng được vay vốn từ gói 30.000 tỉ đồng. Theo đó, bổ sung thêm đối tượng là cá nhân, hộ gia đình chưa có nhà ở nhưng có đất ở và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất ở đó nhỏ hơn diện tích đất đã được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra, các đối tượng tạm trú nhưng có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm cũng được vay tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) thực hiện các giải pháp như sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện, công chứng hợp đồng; đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm; nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…


DiaOcOnline.vn - Theo Công an Nhân dân