Trong Hội thảo khoa học về giải phóng mặt bằng và nhà tái định cư hôm 23/5, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm: “Thực sự dị ứng với khái niệm nhà tái định cư”.
Trong Hội thảo khoa học về giải phóng mặt bằng và nhà tái định cư hôm 23/5, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm: “Thực sự dị ứng với khái niệm nhà tái định cư”.
Thời gian qua, nhà tái định cư đã lộ nhiều bất cập, thậm chí có người còn coi đây là một sai lầm về chính sách.
60-70% nhà tái định “đổi chủ”
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, có đến 60-70% người dân trong các khu nhà tái định cư ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã đổi chủ. Có thể họ thấy chỗ ở mới không phù hợp với lối sống, làm ăn. Họ nhượng lại để tự lo chỗ ở mới.
Như ở dự án giải toả kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP HCM), ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng cho biết, nhà tái định cư cho dự án này xây rất tốt, nhưng nhiều người dân vẫn không đến ở. “Thực tế là nhiều hộ sống ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè làm nghề bán hàng rong. Họ không thể đẩy xe bánh mỳ lên tầng 4 – tầng 5. Họ nhượng lại nhà ở khu tái định cư và tìm mua nơi khác thuận lợi hơn cho việc làm ăn”, ông Liêm nói.
Thực tế ở các khu đô thị, nhà không chỉ là nơi ở mà còn là nơi kinh doanh, buôn bán. Vì vậy, di dời nhà là việc cực chẳng đã với nhiều người. Bên cạnh rào cản từ lối sống và công việc, nhà tái định cư còn đang bị gắn cho một “tiếng xấu” là chất lượng kém, hạ tầng thiếu đồng bộ. Ông Liêm cho rằng, nhà tái định cư cơ bản không khác gì nhà ở bao cấp ngày xưa. Tức là Nhà nước bỏ vốn. Đất đai cũng Nhà nước. Nhà nước chỉ định công ty nào đó của Nhà nước xây. Sau đó, Nhà nước phân phối cho người cần tái định cư vào đấy. “Nghĩa là xây có xấu đi nữa thì vẫn có người ở, vẫn được nghiệm thu. Đó là cái mà hiện nay dân đang phàn nàn”, ông Liêm nói.
Thay đổi chính sách tái định cư
PGS.TS Trịnh Hồng Đoàn, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, trong nhiều năm giảng dạy ở nhà trường, ông chưa bao giờ thấy khái niệm: “Nhà tái định cư”. Ông cũng không nghĩ rằng cần thêm khái niệm này vào để giảng dạy cho các sinh viên. “Về bản chất nhà tái định cư cũng được xây với các quy chuẩn xây dựng như với các loại nhà ở khác, tại sao nhất thiết phải thêm khái niệm này vào? Sao nhất thiết phải gắn nhà tái định cư với một cái gì đó là rẻ, là chất lượng kém?”, ông Đoàn nói.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết thêm, sắp tới nhà tái định cư sẽ phải xây đúng theo tiêu chuẩn 323 – tiêu chuẩn nhà cao tầng của Bộ Xây dựng. Nhưng theo các chuyên gia, cần loại bỏ hoàn toàn khái niệm “nhà tái định cư” và bỏ cách xây nhà tái định cư đang làm. Đồng thời Nhà nước nên điều chỉnh chính sách tái định cư, theo hướng tôn trọng “quyền chọn nơi ở” của người dân.
Theo cách này, Nhà nước sẽ không xây dựng các khu nhà tái định cư như hiện nay nữa. Thay vào đó, Nhà nước sẽ tạo điều kiện phát triển các loại nhà ở theo nhiều mức giá khác nhau để người dân lựa chọn.
Với những người thuộc diện phải đền bù, giải phóng mặt bằng, nếu không tạo điều kiện cho họ tái định cư tại chỗ được, Nhà nước nên áp dụng chính sách đền bù sát giá thị trường. Tất cả tiền hiện nay để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư xây nhà tái định cư... sẽ được đưa vào giá đền bù cho các hộ dân, để họ tự lựa chọn nơi ở phù hợp với điều kiện của mình.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra các khó khăn sẽ cần phải khắc phục trong thời gian tới. Thứ nhất, thị trường nhà ở Việt Nam vẫn đang rất mất cân đối, đặc biệt là cung ở khu vực nhà giá bình dân. Thứ hai, hệ thống quản lý đất đai, thị trường bất động sản còn yếu kém. Nếu không khắc phục được ngay những yếu kém này thì sẽ rất khó khăn trong việc đền bù sát giá thị trường. Đây có thể là vấn đề phải tính đến trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội thời gian tới, đặc biệt là việc sửa đổi Luật Đất đai.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình