TPHCM cần xây dựng và phát triển mạng lưới đường sắt trên cao nối các vùng lân cận với trung tâm thành phố nhằm giảm tình trạng kẹt xe.
Đường hẹp, phương tiện giao thông tăng khiến tình trạng kẹt xe ở TPHCM ngày càng trở nên trầm trọng hơn.Ảnh: Anh Quân |
TPHCM cần xây dựng và phát triển mạng lưới đường sắt trên cao nối các vùng lân cận với trung tâm thành phố nhằm giảm tình trạng kẹt xe.
Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa đô thị học, Đại học quốc gia TPHCM tại buổi hội thảo giải pháp xây dựng văn hóa giao thông cho TPHCM, diến ra ngày 25-11.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, TPHCM có 2.095 ki lô mét vuông nhưng có đến 80% dân cư sống tập trung trong khoảng 160 ki lô mét vuông ở các quận nội thành cũ.
Thành phố có 4,4 triệu xe (cả xe ôtô và xe gắn máy) diện tích giao thông trên một đầu người chỉ vào khoảng 1,2 mét vuông, đạt từ 2,5 - 5%, quá thấp so với khả năng đảm bảo giao thông của thành phố.Do vậy để tránh tình trạng ùn tắc giao thông thành phố cần xây dựng mạng lưới đường sắt trên cao. Ông Hoà cho rằng, hệ thống đường sắt trên cao có nhiều thuận lợi như vận chuyển nhanh, chiếm ít diện tích, khi có sự cố về thiên tai như lũ lụt, triều cường vẫn có thể đảm bảo hoạt động.
Trả lời phỏng vấn báo Giao thông Vận tải ngày 14-6-2005, ông Tadamichi Hoshi, chuyên gia an toàn giao thông hàng đầu của Nhật Bản cho biết, tình trạng giao thông của Việt Nam hiện nay giống với giao thông của Nhật Bản cách đây 30 - 40 năm. Nếu muốn thoát khỏi tình trạng này, Việt Nam cần phải phát triển tốt mạng lưới giao thông đường sắt trên cao như Nhật Bản đã tùng làm.
Tuy nhiên, TS Phạm Đức Trọng, Trưởng khoa xã hội hội học trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho rằng, trong khi chờ các dự án đường sắt trên cao được xây dựng, điều cần làm trước mắt hiện nay là xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm giao thông như đang xử phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm.
Kết quả điều tra xã hội học qua 400 người cho thấy 71,8 % lỗi vi phạm giao thông là do không nhìn thấy công an; 55% làm theo người khác; 80,3% số người lái xe chạy ẩu; 74,8% số người say rượu khi chạy xe. Điều đó cho thấy ý thức tham gia giao thông của người dân rất kém.
TS Trọng đề nghị một hình phạt cụ thể, chẳng hạn như tại các tuyến đường sẽ treo các biển hiệu thông báo nếu vi phạm giao thông trên tuyến đường này sẽ bị phạt 200.000 đồng.
Ngoài ra, khi chưa có phương tiện hỗ trợ giám sát và điều phối giao thông, việc cần làm trước tiên là phải giáo dục ý thức tham gia giao thông cho người dân, đặc biệt an toàn giao thông phải được coi như một môn học bắt buộc trong nhà trường.
Theo số liệu thống kê của Phòng cảnh sát giao thông Công an TPHCM, thành phố có tổng diện tích 2.095 ki lô mét vuông, dân số trên 8 triệu người tính cả dân số của địa phương khác đang sinh sống và làm việc tại thành phố với mật độ trung bình là 3.400 người /ki lô mét vuông. Toàn thành phố có 3.543 tuyến đường với tổng chiều dài 3.668 ki lô mét, tổng diện tích mặt đường là 26 triệu ki lô mét vuông, trong đó có 143 điểm thường xuyên xảy ùn tắc giao thông.Đến tháng 10 năm 2009 toàn thành phố xảy ra 1.020 vụ tai nạn giao thông làm chết 856 người, bị thương 435 người, trong đó tai nạn do phương tiện cá nhân gây ra chiếm 70%.Số lượng xe của thành phố đến thời điểm này là hơn 4,4 triệu xe, trong đó có hơn 4 triệu xe gắn máy, 400.228 xe ôtô, tính trung bình mỗi ngày có thêm 1.000 xe gắn máy và 100 xe ôtô được đăng ký.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG