Số tiền này được Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính cấp để các địa phương thực hiện trong năm 2014 hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa đề nghị Bộ Tài chính cấp số kinh phí hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng được Chính phủ bổ sung năm 2014 (khoảng 800 tỷ đồng) để các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ trong năm nay.
Xây nhà hỗ trợ cho người có công với cách mạng (Ảnh minh họa: KT )
|
Theo Bộ Xây dựng, mức kinh phí mà ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với trường hợp phải xây dựng mới nhà ở là 40 triệu đồng/hộ; đối với trường hợp sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở là 20 triệu đồng/hộ.
Ngoài mức kinh phí này, Nhà nước cũng khuyến khích cộng đồng, dòng họ giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể hỗ trợ thêm từ ngân sách cho các hộ gia đình.
Yêu cầu đối với trường hợp xây dựng mới nhà ở là phải có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (đối với các hộ độc thân thì có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24 m2), bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng) và có tuổi thọ 10 năm trở lên; đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo thì phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung-tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên và không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn diện tích sử dụng như đối với nhà ở xây dựng mới.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần phải nâng chất lượng nhà để đáp ứng tiêu chí tuổi thọ tối thiểu cho mỗi căn nhà là 20 năm; đảm bảo cả các tiêu chí như an toàn, phòng chống thiên tai...
Theo thống kê, số lượng người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở hiện đã lên tới 335.253 hộ. Như vậy, số tiền cần thực hiện hỗ trợ lên tới hơn 10.537 tỷ đồng, vượt xa so với dự kiến 2.451 tỷ đồng trước đó.
Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai, nên nghiên cứu phương án bổ sung nguồn vốn cho các hộ vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng nhà có chất lượng cao hơn. Đồng thời, phải giám sát đúng đối tượng, và vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư cũng rất cần thiết.
Trước mắt, theo bà Mai, các đơn vị liên quan cần bố trí kinh phí để hoàn thành hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 494 trong năm 2014 hoặc giải quyết dứt điểm trong năm 2015. Các đối tượng bổ sung theo Quyết định 22 sẽ tiếp tục giải quyết trong thời gian tiếp theo, không nhất thiết phải kết thúc vào năm 2018, bởi số lượng hộ trong diện hỗ trợ có thể giảm dần, nhưng vẫn cần duy trì chính sách này bởi nhà ở của họ có thể bị hư hỏng theo thời gian.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV