Đề nghị bỏ nhiều thủ tục “con”

Cập nhật 05/05/2010 08:50

Tình trạng thủ tục chồng chéo, trùng lắp, nhiều thành phần hồ sơ phải xác nhận, chứng minh nhiều nơi đã gây khó dễ cho người dân khi làm thủ tục và cán bộ cũng vất vả không ít...

Để triệt căn bệnh sính "sao y", Sở Tư pháp TP.HCM đề xuất bỏ yêu cầu chứng thực trong một số thủ tục.

Tình trạng thủ tục chồng chéo, trùng lắp, nhiều thành phần hồ sơ phải xác nhận, chứng minh nhiều nơi đã gây khó dễ cho người dân khi làm thủ tục và cán bộ cũng vất vả không ít. Ngoài ra, một số mẫu đơn, biểu mẫu có nội dung chưa rõ ràng, thiếu thống nhất cũng là một nút thắt trong thủ tục tư pháp hiện nay. Thực hiện đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30), Sở Tư pháp TP.HCM đã mạnh dạn đề xuất nhiều phương án đơn giản hóa thủ tục để tháo gỡ những vướng mắc này.

Khỏi chứng minh tài sản chung - riêng?

Một trong những thủ tục tư pháp có nhiều thành phần hồ sơ trùng lắp, không cần thiết là thủ tục công chứng ở một số lĩnh vực. Cụ thể như thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, mua bán nhà, cho thuê nhà, tặng cho nhà, thế chấp nhà…; công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản... Hiện nay, người dân khi thực hiện các loại thủ tục này đều phải có ba thành phần hồ sơ: phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng giao dịch, giấy cam kết đối tượng giao dịch là có thật và giấy tờ chứng minh về tài sản chung hoặc riêng. Trong khi thực tế, ba thành phần hồ sơ này là không cần thiết hoặc đã thể hiện trong các thành phần hồ sơ khác.

Theo phân tích của Sở Tư pháp, phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng giao dịch đã được thể hiện qua việc các bên điền vào mẫu, ký kết hợp đồng và thể hiện trong văn bản công chứng. Tương tự, giấy cam kết về đối tượng có thật cũng không cần thiết và có thể đưa vào trong nội dung thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng.

Thành phần hồ sơ được cho là rắc rối và gây phiền toái nhất hiện nay chính là các giấy tờ chứng minh tài sản chung hoặc riêng. Hiện đang có hai luồng ý kiến trái chiều, không thống nhất về thành phần hồ sơ này. Một số ý kiến cho rằng việc chứng minh tài sản chung hoặc riêng là không hợp lý. Bởi lẽ những thông tin này đã được cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng kiểm tra và xác minh khi cấp giấy. Và theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung phải ghi tên cả vợ chồng nên giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người thì có thể coi là thuộc sở hữu của người đứng tên và cơ quan cấp giấy đã kiểm tra việc này. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì việc giấy chứng nhận ghi tên một người (vợ hoặc chồng) không đồng nghĩa với việc ghi nhận tài sản riêng của người đứng tên trên giấy nên người đó phải có nghĩa vụ chứng minh.


Bỏ sao y, chứng thực nhiều loại giấy tờ để giảm đi lại cho người dân. Trong ảnh: Người dân đang chứng thực tại phường 6, quận 5. Ảnh: T.Hằng

Để có sự thống nhất, Sở đề nghị bỏ các giấy tờ chứng minh tài sản chung hoặc riêng này. Khi thực hiện thống nhất “giấy hồng” và “giấy đỏ” thành một giấy, cơ quan cấp giấy xác định rõ tài sản chung hoặc riêng và cơ quan công chứng căn cứ vào đó để giải quyết thủ tục.

Bỏ bệnh sính bản sao y

Một trong những thành phần hồ sơ khiến người dân phải mất sức xuống phường lên quận hiện nay là việc sao y, chứng thực các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh, bằng cấp… Việc này không những hành dân đi lại mà còn tạo nên áp lực sao y quá nhiều cho các địa phương. Do đó, Sở Tư pháp đề xuất bỏ yêu cầu chứng thực, chỉ cần bản phôtô đối với nhiều thành phần hồ sơ. Cụ thể trong thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân chỉ cần nộp bản phôtô, cơ quan hành chính đối chiếu trực tiếp với bản chính. Bỏ phần chứng thực chữ ký của UBND cấp xã trong mẫu sơ yếu lý lịch khi thực hiện thủ tục đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.

Ngoài ra, có một số thủ tục người dân phải đi lại nhiều lần, đến các cơ quan khác nhau để xác nhận một số thành phần hồ sơ cũng được Sở đề xuất đơn giản bằng cơ chế liên thông. Cụ thể như thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, việc xác nhận đối tượng được trợ giúp pháp lý sẽ do các cơ quan hành chính thực hiện liên thông với nhau. Người dân không phải mất thời gian tự đi liên hệ tại UBND cấp xã như lâu nay. Tương tự, thủ tục cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia hòa giải, thủ tục yêu cầu cử người trợ giúp pháp lý hoặc luật sư tham gia tố tụng trợ giúp pháp lý… cũng được thực hiện theo cơ chế liên thông về việc xác nhận đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Chuẩn hóa nhiều biểu mẫu

Theo Sở Tư pháp TP, nhiều mẫu đơn hiện nay chưa được chuẩn hóa đã gây khó khăn cho người dân lẫn cơ quan chức năng khi thực hiện các thủ tục. Điển hình là mẫu đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá trong thủ tục tham gia mua tài sản đấu giá, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin về đăng ký khai tử trong thủ tục đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài, mẫu sơ yếu lý lịch trong thủ tục đề nghị bổ nhiệm công chứng viên… Các mẫu này được Sở đề nghị chuẩn hóa để tạo điều kiện cho người dân và cơ quan hành chính thực hiện dễ dàng.

Làm rõ một số nội dung

Sở Tư pháp TP đề nghị làm rõ tiêu chí về xác định năng lực hành vi dân sự trong thủ tục công chứng một số loại hợp đồng liên quan đến tài sản nhà, đất. Hiện quy định này còn chung chung khiến công chứng viên khó thực hiện và thường xác định theo cảm tính dẫn đến việc thực hiện tùy tiện, đặt ra các yêu cầu gây khó khăn cho người dân khi yêu cầu công chứng. Sở cũng đề nghị cần phải có quy định cụ thể về các trường hợp công chứng viên được từ chối công chứng, hiện vẫn chưa được pháp lý hóa trong các văn bản luật.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP