Để không bị loại khỏi cuộc chơi, chủ đầu tư phải “khó tính” với chính mình

Cập nhật 05/06/2015 08:44

Khu đô thị mới Times City một sáng Chủ nhật. Lũ trẻ con, không chỉ là cư dân của Times City, được dẫn đi ăn sáng và tụ về công viên khu đô thị chơi đùa, chạy nhảy.

Khu đô thị mới Times City một sáng Chủ nhật. Lũ trẻ con, không chỉ là cư dân của Times City, được dẫn đi ăn sáng và tụ về công viên khu đô thị chơi đùa, chạy nhảy.

Ảnh Internet

Trên tay chúng và sau đó được thả xuống bãi cỏ là không ít các loại vỏ bánh trái, sữa chua, sữa nước… Bố mẹ hầu hết mải mê lướt mạng. Chỉ có 2 nhân viên vệ sinh kiên nhẫn đứng thu gom “sản phẩm” từ tay bọn trẻ…

Hơn một tiếng đồng hồ, người ta để ý thấy không một lời than phiền từ những người lao công. Và nếu để ý kỹ hơn ở phía xa xa, có một cậu thanh niên cũng là nhân viên khu đô thị đang tưới nước cho các lùm cây. Vòi nước xối quá mạnh, cậu ta dừng tay tưới, kiên nhẫn vuốt lại những cành hoa đổ rạp rồi mới lùi ra xa hơn tiếp tục công việc.

Nhớ lại chuyện này, bởi mới đây vừa có thông tin chính quyền TP. HCM đang dự thảo một quyết định với nội dung giao đứt quyền quản lý, chăm sóc hạ tầng giao thông, cây xanh… tại các dự án bất động sản cho chủ đầu tư.

Xung quanh dự thảo này, hiện có hai luồng ý kiến!

Những người đồng tình như ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành dựa vào thực tế dự án mà DN này đầu tư là Dự án Chung cư Thái An. Sau khi cư dân về ở, Dự án được Công ty giao cho quận 12 quản lý, nhưng quận này không kham nổi, đành phải “chuyển trả” lại.

Bên cạnh đó, như lời ông Đực nói, “nếu để Nhà nước làm thì sao một ngày tưới cây từ 2 - 3 lần. Cả tuần tưới được 1 lần, cây mình mua rồi trồng tính ra cả đống tiền, chết quá lãng phí”.

Cũng tương tự như câu chuyện Khu đô thị Times City ở trên. Nói có thể võ đoán, nhưng nếu không phải là nhân viên của Vingroup, thì khó có thể có một sự cần mẫn tự nguyện với từng gốc cây, ngọn cỏ như vậy. Ngay đối với hệ thống đường nội khu cũng có một đội ngũ không nhỏ nhân viên an ninh của đơn vị này đứng ra điều tiết giao thông.

Nghe các tài xế taxi kể rằng, nếu đi láo ở đây, họ còn bị phạt gắt hơn cảnh sát giao thông, bởi khó bề xin xỏ!

Luồng quan điểm thứ hai còn lăn tăn, bởi hạ tầng không chỉ có đường xá, cây xanh mà còn cả vấn đề điện đóm, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng… Đều là những việc chủ đầu tư không thể chủ động quản lý.

Mặc dù vậy, vấn đề này hoàn toàn có cách giải quyết nếu chủ đầu tư đứng ra làm “hộ tiêu thụ lớn”, rồi sau đó phân phối lại cho cư dân. Cách này mới nghe có vẻ nhiêu khê khi có thêm trung gian. Nhưng lại tạo ra khá nhiều sự chủ động trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu, bởi nhiều chủ đầu tư bài bản còn trang bị hệ thống máy phát điện cỡ lớn hoặc dự trữ nước đủ cho toàn dự án dùng một số ngày nhất định trong trường hợp nguồn cung chung bị cắt.

Xét đến cùng, nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM là, những DN phát triển bền vững, lâu dài, họ muốn quản lý cây xanh và đường nội bộ để tăng giá trị dự án. Còn có những DN hoạt động theo kiểu “đánh quả”, xong rồi xin giải thể, thậm chí, cứ mỗi dự án lập 1 công ty thì rất sợ bị giao việc này.

Thực tế, hầu hết các chủ đầu tư lớn đều quan tâm, săn sóc từng góc nhỏ dự án của mình!

Họ có thể đem vào đó những triết lý sống cá nhân như trường hợp ông Tô Dũng, Chủ tịch Công ty Xuân Cầu… Chỉ nói riêng về thảm cỏ của Dự án Xanh Villas, vị này chia sẻ: “Đó là nơi mang lại cảm xúc mạnh mẽ nhất về sự giao hòa với thiên nhiên, rất hiện đại nhưng cũng rất truyền thống khi ta hồi tưởng lại những triền đê xưa, nơi có những vạt cỏ xanh mướt nhiều kỷ niệm”.

Hoặc người ta sẽ phải mất hàng buổi để nghe ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc CTCP Vihajico, chủ đầu tư Ecopark tỷ mẩn mô tả lịch sử và những điểm đặc biệt của từng gốc cây cổ thụ, hay cách bố trí và chăm chút những khoảng xanh trong dự án mà ông gọi là “của mình”.

Hay như ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC Group, mặc dù rất tự hào với tiến độ “thần tốc” của đại dự án FLC Sầm Sơn Golf Links, nhưng vẫn không quên nhắc đến những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ. Kiểu như cỏ tại dự án này được trồng từ hạt, chứ không như đại đa số các sân golf khác bê cả tảng về. Dẫu tốn kém hơn một chút, mất thời gian hơn một chút, nhưng sự mượt mà cũng vì thế hơn hẳn.

Khi khách hàng ngày càng khó tính, nếu chủ đầu tư không “khó tính” với chính mình sẽ rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi.

Bởi vậy, quan điểm của chính quyền TP. HCM về việc chính thức hóa vai trò quản lý, chăm sóc hạ tầng của chủ đầu tư dự án có lẽ nên được ủng hộ.

Đối với nhiều chủ đầu tư, đó chỉ là chính thức hóa cái việc họ đã làm và làm rất tốt.

Nói rộng hơn một chút về chiến lược kinh doanh. Trong cuộc trò chuyện mới đây với người viết, ông Đào Ngọc Thanh bảo rằng, cá nhân ông phân biệt rất rõ hai chủ thể là Nhà phát triển bất động sản và Nhà kinh doanh bất động sản. Bởi một bên gắn chặt mình với vòng đời của dự án, một bên đặt mục tiêu duy nhất là càng bán nhiều hàng càng tốt. Không thể trách Nhà kinh doanh bất động sản là chạy theo lợi nhuận. Nhưng điều quan trọng là chỉ khi trở thành Nhà phát triển bất động sản, một đẳng cấp khác mới dần hình thành.

Và có một điều nữa ông Thanh chưa nói đến. Rằng, không có “chiêu” quảng cáo nào hữu hiệu cho một dự án mới hơn việc những cư dân hiện hữu của dự án cũ từ một chủ đầu tư nói tốt về cái mà họ đang được thụ hưởng.

Vậy thì, phát triển hay kinh doanh bất động sản, muốn tồn tại, con đường cũng chỉ có một…                              

DiaOcOnline.vn - Theo  Đầu tư Bất động sản