Để dân dời phố cổ vẫn an cư

Cập nhật 21/05/2010 15:40

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã làm việc với quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành về đề án giãn dân phố cổ sang Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên).

Đặc thù của người dân khu vực phố cổ chủ yếu mưu sinh bằng các dịch vụ buôn bán từ trong ngõ đến vỉa hè. Đề án giãn dân cần tính đến đặc thù này.


Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Xóm nhiếp ảnh

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã làm việc với quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành về đề án giãn dân phố cổ sang Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên).

Di dân là để cải thiện cuộc sống


Chính quyền quận Hoàn Kiếm cho biết, chủ trương di dân ra khỏi phố cổ không phải là xuất phát từ mục tiêu xây dựng hay tái tạo lại cái gì mà chính là để giải quyết điều kiện ăn, ở của người dân phố cổ. Nếu cứ tiếp tục cuộc sống như hiện nay, người dân bám sát phố cổ và ở thành tầng tầng, lớp lớp trong cái nhà cổ nhỏ bé thì không đủ điều kiện tối thiểu.

Cho nên chủ trương của TP là xem xét và vận động, tạo điều kiện cho người dân ở trong phố cổ cải thiện điều kiện ăn, ở của mình - mà cụ thể trước nhất là cải thiện về nhà ở.

Theo đề án của quận Hoàn Kiếm đã trình, giai đoạn I sẽ di chuyển gần 2.000 hộ. Trong đó có 1.600 hộ tự nguyện di chuyển, 109 hộ sống trong những căn nhà có nguy cơ sập đổ, 170 hộ ở trong khuôn viên các di tích, 39 hộ sống trong các trường học, 24 hộ sống xen lẫn trong khuôn viên các công sở.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện, đối với những hộ đang sống trong khuôn viên các di tích, công sở và trường học, sẽ lập hồ sơ từng trường hợp, trình TP ra quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng và áp dụng chính sách hỗ trợ theo quy định chung của TP. Diện tích thu hồi từ các hộ thuộc diện vừa nêu sẽ được hoàn trả cho các trường học, công sở và di tích, để không còn tình trạng cư dân sống chung trong các công trình công cộng.

Còn những trường hợp tự nguyện di chuyển thì người dân có quyền định giá tài sản, đất đai của mình để chuyển nhượng cho những hộ ở lại trong cùng số nhà, khu nhà. Nhưng UBND quận sẽ có quy định ràng buộc việc sang nhượng phải đảm bảo nguyên tắc không được đưa người dân ở ngoài và ở khu vực khác vào khu phố cổ. Bởi “nếu giãn dân mà lại để người nơi khác về ở, mật độ vẫn đông như thế thì phố cổ lại tiếp tục quá tải” - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói.

Tái định cư chú ý đặc thù dân phố cổ


Cũng theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, đặc thù của người dân khu vực phố cổ chủ yếu mưu sinh bằng các dịch vụ buôn bán từ trong ngõ đến vỉa hè, nơi nào cũng có thể kinh doanh. Do đó, trong đề án giãn dân quận đã đề xuất khu tái định cư tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) sẽ xen lẫn giữa chung cư và khu dịch vụ thương mại. Việc đầu tư xây dựng sẽ theo chủ trương xã hội hóa.

Theo đề án, người dân di chuyển khỏi phố cổ sẽ được mua 1 căn hộ tại khu đô thị Việt Hưng với các hình thức trả một lần, trả góp hoặc được thuê một căn hộ với giá ưu đãi. Cùng với đó, người dân được vay vốn với lãi suất thấp nhằm ổn định cuộc sống.

Để đón dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng, quận Hoàn Kiếm đề nghị TP điều chỉnh quy hoạch của lô đất 11,12 ha tại đây. Cụ thể, trong 7 ô đất tại đây sẽ không dành 2 ô để xây dựng biệt thự như ban đầu mà chuyển tất cả sang xây chung cư cao tầng.

Trong các chung cư cao tầng này, căn hộ chiếm 65% ( diện tích từ 60 - 100m2), trong khi diện tích sàn kinh doanh - dịch vụ chiếm 35%. Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, trong các chung cư có thể thiết kế các căn hộ thông tầng tạo điều kiện cho người dân kinh doanh. Quận cũng đề nghị TP giao 3 lô đất để xây dựng trường tiểu học, trường mầm non, trạm y tế tại các khu vực gần khu giãn dân.

Góp ý về vấn đề điểm đến của người dân, đại diện Viện Quy hoạch - Xây dựng Hà Nội cho rằng, không nên chỉ “chốt” phương án khu đô thị Việt Hưng mà cần thêm những điểm khác để hấp dẫn người dân.

Riêng với khu đón dân phố cổ tại Việt Hưng cần phải có các sân chơi nhỏ, vườn hoa… Về thiết kế các tòa nhà, để tạo điều kiện kinh doanh cho người dân, không nhất thiết phải xây thông tầng, bởi còn có các thiết kế khác có thể thỏa mãn yêu cầu vừa sinh sống vừa kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu phải điều tra lại nhu cầu nhà ở của người dân, không nên quy định cơ cấu căn hộ chỉ có diện tích từ 60 - 100m2. Đối với các hộ dân mặt phố chấp nhận di chuyển phải đảm bảo cho họ có mặt đường kinh doanh tại khu mới thông qua việc thiết kế tầng 1 thích hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ