Để bất động sản “rơi tự do”?

Cập nhật 27/03/2013 08:29

Gói hỗ trợ lãi suất 6% trị giá 30.000 tỉ đồng của Chính phủ cho một số đối tượng có thu nhập thấp vay mua nhà còn chưa kịp thực hiện, thì thị trường lại nổ ra một cuộc tranh cãi: cứ để bất động sản tiếp tục "rơi tự do" hay sử dụng gói hỗ trợ nói trên.

Gói hỗ trợ lãi suất 6% trị giá 30.000 tỉ đồng của Chính phủ cho một số đối tượng có thu nhập thấp vay mua nhà còn chưa kịp thực hiện, thì thị trường lại nổ ra một cuộc tranh cãi: cứ để bất động sản tiếp tục "rơi tự do" hay sử dụng gói hỗ trợ nói trên.

Khởi động cuộc tranh cãi này là chuyên gia kinh tế Alan Phan khi cho rằng giá bất động sản (BĐS) có thể giảm thêm khoảng 30%, thậm chí 50% nếu cứ để thị trường tiếp tục rơi tự do. Giải pháp hỗ trợ lãi suất (LS) 6% không khả thi khi nó “bơm” thẳng vào ngân hàng (NH), họ ngồi không cũng được hưởng 1,5% LS tái cấp vốn. Trong khi đó, có cho vay với LS 6% cũng không ai dám vay bởi không có khả năng thanh toán khi mà công việc và thu nhập vẫn còn khá bấp bênh.

Sau phát biểu trên, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là liệu giá BĐS có thể giảm 30 - 50% hay không. Là người trực tiếp triển khai dự án, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, phân tích không phải ngẫu nhiên Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra mức giá bán nhà ở xã hội khoảng 12 triệu đồng/m2 (đã có lợi nhuận 5%). Mức giá này là hợp lý, bởi tiền xây dựng thực tế hiện nay đối với nhà cao tầng là 9 triệu đồng/m2, tiền đất bồi thường 1 triệu đồng/m2, tiền sử dụng đất, tiền hạ tầng, chi phí lặt vặt… khoảng 4-5 triệu đồng/m2. Như vậy, giá thành nhà thương mại bình quân khoảng 14-15 triệu đồng/m2. Nếu trừ tiền sử dụng đất, giá nhà khoảng 12 triệu đồng/m2 như mức giá nhà ở xã hội mà Sở Xây dựng đưa ra. Với mức giá này, nếu giảm thêm nữa là không thể, bởi doanh nghiệp không thể sản xuất ra sản phẩm để bán dưới giá thành.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng lập luận rằng, BĐS sẽ giảm nữa nhưng đối với những dự án ở xa, với giá bán cao mà không có nhu cầu người ở thật sự hay ở phân khúc căn hộ cao cấp khi hàng tồn kho tập trung ở phân khúc này. Nhưng ngược lại những dự án căn hộ, đất nền có vị trí tốt không thể giảm thêm. Thị trường cần những thông tin rạch ròi, phân tích dựa trên những giải pháp tổng thể, chứ không thể phân tích phiến diện khiến doanh nghiệp có sản phẩm bán không được còn người có nhu cầu tiếp tục chờ, làm cho cung cầu không gặp nhau.

Theo một chuyên gia kinh tế, nếu cứ để thị trường rơi tự do sẽ rất nguy hiểm bởi người chịu thiệt hại cuối cùng vẫn chính là người dân. Bởi hầu hết các dự án BĐS đều phụ thuộc phần lớn vào vốn vay NH, trung bình khoảng 80% giá trị. Nếu công ty phá sản, NH sẽ "nhảy" vào thanh lý và như thế tiền của người dân, các nhà đầu tư góp vốn vào dự án sẽ mất trắng, khi đó thị trường sẽ náo loạn. Hơn nữa, phải thấy rằng, nếu Chính phủ “bơm” 30.000 tỉ đồng là hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà xã hội và nhà thương mại ở phân khúc bình dân sẽ kéo giá BĐS đi xuống, từ đó người dân hưởng lợi.

Thị trường BĐS đã "rơi tự do" mấy năm qua và hệ lụy của nó cũng đã rõ. Thực tế cũng chứng minh, ngay ở các nước phát triển như Mỹ, EU Chính phủ vẫn phải có các gói hỗ trợ để giải cứu thị trường BĐS khi rơi vào khủng hoảng kéo dài. Vì vậy, vấn đề lúc này là minh bạch dòng vốn đến đúng nơi, đúng chỗ chứ không nên tạo ra sự tranh cãi không cần thiết.

DiaOCOnline - Theo Thanh Niên