Một trong những điểm đến hấp dẫn của Hà Nội ngàn năm văn hiến là phố cổ. Nhưng lịch sử hàng trăm năm cùng hàng chục thế hệ sinh ra và tồn tại ở đây đã khiến phố cổ trở nên quá tải.
Đến năm 2020 sẽ di dời khoảng 30.000 dân ra khỏi khu vực phố cổ . ảnh: L.H |
UBND thành phố Hà Nội đã có Đề án giãn dân để giảm tải cho phố cổ, nhưng xem ra còn nhiều khó khăn…
Bây giờ đã là muộn
Theo Đề án được Ban quản lí phố cổ lập năm 2009 và đang trong quá trình bàn thảo, người dân phố cổ sẽ được di dời bớt sang khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) và một số địa điểm khác. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ di dời khoảng 1.900 hộ dân trong phố cổ với điểm đến là khu đô thị Việt Hưng. Mục đích cao nhất của Đề án là cải thiện đời sống của người dân trong phố cổ, bảo tồn các giá trị văn hoá của phố cổ. Vì vậy, Đề án cũng xây dựng ý tưởng chỉnh trang, tôn tạo phố cổ, quản lí diện tích nhà sau giãn dân. Trong đó quy định nghiêm ngặt không cho người bên ngoài chuyển vào phố cổ trong quá trình sang nhượng. Kinh phí cho đề án ban đầu được xác định là 4.000 tỉ đồng, tới năm 2010 thì nâng lên mức 6.000 tỉ đồng. Dự án đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 sẽ di dời khoảng 30.000 dân ra khỏi khu vực.
Theo Ban Quản lí phố cổ, mật độ dân số hiện nay của các khu phố cổ Hà Nội vào khoảng 84.000 người/km2, nếu tính diện tích nhà ở thì chỉ đạt 1,2 - 2m2/người. Nếu mục tiêu đến năm 2020 của Đề án được thực hiện, mật độ dân số ở đây sẽ vào mức 50.000 người/km2.
Khám phá thực tế tại phố cổ Hà Nội có thể thấy, tình trạng người ở quá chật chội, nhiều ngõ phố và ngôi nhà ẩm thấp, thiếu sáng, nhiều ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng… Ví dụ, căn nhà số 47 Hàng Bạc có diện tích 120m2, khi xây dựng cách đây hơn 180 năm, nó chỉ dành cho 1 gia đình, nhưng hiện nay có tới 5 hộ gia đình với 30 nhân khẩu đang sinh sống trong đó. Căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng cần được khôi phục ngay: vữa tường bong tróc, sự ẩm thấp và mối mọt đã khiến mái nhà bị gãy, cong nhiều chỗ khiến nhiều lần bị sụp, khu vực sinh hoạt chung nhỏ bé, lối đi vào tối tăm. Rất nhiều ngôi nhà ở phố cổ cũng trong tình trạng như vậy.
Phát biểu về Đề án, nhà văn hoá Hữu Ngọc cho rằng, giãn dân phố cổ Hà Nội là việc làm vô cùng cần thiết và bắt buộc. Giãn dân là cơ sở đầu tiên để thực hiện các biện pháp bảo tồn những giá trị văn hóa cả về vật chất lẫn tinh thần của phố cổ. Và lẽ ra, việc này phải được đặt ra từ 20 - 30 năm về trước, vì khi đó dân số của Hà Nội còn thấp, việc di dời sẽ dễ và hiệu quả cao hơn. “Giờ mới đặt ra vấn đề này là quá muộn”, ông Ngọc nói.
Làm sao để người dân muốn di dời?
Phố cổ tuy nhỏ bé, chật chội, cũ nát là vậy, nhưng nó lại có một có sức níu giữ ghê gớm với cư dân ở đây. Theo kết quả khảo sát sơ bộ của quận Hoàn Kiếm, có 75% số hộ dân muốn giữ nguyên hiện trạng và thay đổi thêm một chút. Chỉ có 6,7% hộ dân muốn thay đổi chỗ ở và số còn lại giữ ý kiến trung lập. Lí do mà họ không muốn chuyển đến nơi ở mới có rất nhiều, như không muốn xa rời đất hương hoả tổ tông, nơi ở mới là chung cư nên phải ở trên cao, nơi ở mới không thuận lợi về các công trình công cộng như giao thông - chợ - trường học… Quan trọng nhất là lí do về kinh tế. Ở phố cổ, đa số người dân đều kinh doanh, hoặc cho thuê cửa hàng với giá rất cao; nếu phải di dời, đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi một “món” lớn hàng năm, hoặc sẽ không biết làm việc gì kiếm sống.
Vì vậy, chỉ đạo về việc hoàn thiện Đề án, phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi lưu ý đơn vị thực hiện phải bám sát và nắm bắt mọi tâm tư, nhu cầu của người dân; bên cạnh việc khôi phục lại phố cổ thì hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội ở nơi ở mới cũng phải được quan tâm. Ngoài ra, cần có quĩ hỗ trợ đào tạo, học nghề nhằm đáp ứng những ai có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo ICT News