Đề án chống đầu cơ đất bị xếp xó

Cập nhật 31/10/2007 09:00

...nhiều đề án nghiên cứu chống đầu cơ đất đai, nhiều biện pháp đã được đặt ra từ ngay sau cơn sốt nhà đất năm 2000 - 2002 đến giờ vẫn chỉ là những lý thuyết bị xếp xó...

Thị trường nhà đất tiếp tục "nóng", trong khi nhiều đề án nghiên cứu chống đầu cơ đất đai, nhiều biện pháp đã được đặt ra từ ngay sau cơn sốt nhà đất năm 2000 - 2002 đến giờ vẫn chỉ là những lý thuyết bị xếp xó. Sau cơn sốt nhà đất những năm 2000 - 2002, UBND TP.HCM đã giao cho Viện Kinh tế TP HCM nghiên cứu đề án chống đầu cơ đất đai.
 
Năm 2004, đề án đã hoàn thành, với một loạt các giải pháp chống đầu cơ bằng thuế cũng như biện pháp để bình ổn duy trì thị trường. Trong đó, sẽ đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp sở hữu hơn một căn nhà, vượt quá nhu cầu ở bình thường. Thế nhưng đề án này đã bị xếp xó ngay sau khi ra đời và rơi vào quên lãng.

Ông Trần Thế Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, khi đó còn là Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cũng đã có một đề án về thực trạng cũng như hướng phát triển thị trường bất động sản. Tại thời điểm đó, ông Ngọc đã đề xuất không giao đất cho các dự án nhỏ lẻ cho các nhà đầu tư mà phải quy hoạch phát triển đô thị thành một tổng thể lớn. Các nhà đầu tư muốn tham gia phải đấu thầu từng dự án đã được quy hoạch trên nền tổng thể chung của cả một khu vực. Nhà đầu tư chỉ được phép kinh doanh nhà chứ không được kinh doanh đất.

Hiện nay, những dự báo trước đây trong đề án này đã thành sự thực. Hơn 1.000 dự án đã được giao đất, lấp kín quỹ đất nông nghiệp tại các quận, huyện ngoại thành như quận 2, 7, 9, 12, Gò Vấp, Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức... trở thành lãnh địa của nạn đầu cơ đất đai. Việc phát triển đô thị theo chiều rộng đã để lại một hậu quả khôn lường là hết đất, nhưng TP vẫn không có một khu đô thị nào ra hình ra dáng.

Theo một số chuyên gia, để chống được đầu cơ đất đai trước hết phải có công cụ kiểm soát được nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản. Trước năm 2006, thị trường nhà đất là kênh đầu tư thu hút vốn nhàn rỗi và kể cả tiền bẩn lớn nhất ở Việt Nam. Năm 2006, thị trường chứng khoán đã thay thế thị trường bất động sản trở thành kênh thu hút đầu tư lớn nhất. Thị trường bất động sản đã bị rơi vào trạng thái nguội lạnh. Các nước sử dụng hiệu quả công cụ tài chính để điều tiết nên kiểm soát được đầu cơ.

Trong khi ở Việt Nam cho đến nay, những người đầu cơ đất đai, chứng khoán vẫn chưa phải đóng một loại thuế nào. Điều này không chỉ làm Nhà nước thất thu thuế mà còn đẩy người nghèo ngày càng xa ước mơ sở hữu nhà ở. Điều đó giải thích vì sao, thị trường bất động sản Việt Nam nóng -lạnh bất thường, thu nhập của người VN thấp nhưng giá nhà đất ở các TP lớn của Việt Nam lại cao.

Theo Lao Động