Trong quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, thành phố đã xác định phát triển bốn khu đô thị (KĐT) vệ tinh từ bốn hướng đông, tây, nam, bắc nhằm mục tiêu giãn dân cũng như giảm khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các KĐT này là nhiệm vụ quan trọng của thành phố hiện nay...
Nhiều dự án bị bỏ hoang tại khu đô thị phía đông.
|
Ngổn ngang khó khăn Trong bốn KĐT vệ tinh thì khu Tây Bắc được xem là KĐT quan trọng của thành phố nhằm mục đích "đánh thức" vùng đất lịch sử Củ Chi và Hóc Môn. Theo quy hoạch, KĐT Tây Bắc nằm gọn trên địa bàn hai huyện Củ Chi và Hóc Môn với diện tích hơn 9.000 ha. Đây sẽ là một trung tâm thương mại, y tế, thể dục, thể thao... cấp thành phố với 11 phân khu chức năng như khu trung tâm công cộng, khu thương mại, dịch vụ, y tế, công nghiệp, kho bãi trung chuyển...
Nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực sử dụng nhiều biện pháp để thu hút đầu tư như: hoàn thiện công tác quy hoạch, bồi thường và giải phóng mặt bằng; thành lập hẳn một ban quản lý để thực hiện các dự án.
KĐT Tây Bắc cũng là KĐT đầu tiên thu hút được nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư với số vốn lên đến hàng tỷ USD...
Khi mọi việc đang tiến triển thuận lợi thì tình hình kinh tế chung gặp khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng khiến các nhà đầu tư buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp dự án, thậm chí có nhà đầu tư xin trả lại dự án. Đơn cử như siêu dự án đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) của Tập đoàn Berjaya (Ma-laixi-a) được cấp giấy phép từ ngày 1-7-2007 với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD. Đây được coi là dự án đầu tư lớn nhất tại thành phố từ trước đến nay nhưng đến giờ vẫn chỉ nằm trên giấy. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, quy mô dự án hơn 900 ha nhưng đến nay tập đoàn chỉ có thể triển khai trước 200 ha, làm theo hình thức cuốn chiếu, chủ yếu xây dựng các khu tái định cư, còn đô thị đại học vẫn chưa tính tới. Tương tự, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng TP Hồ Chí Minh cũng đã phải trả lại nhiều dự án xây dựng khu dân cư với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Những KĐT vệ tinh khác như KĐT đông TP Hồ Chí Minh với trọng tâm là dự án KĐT mới Thủ Thiêm (quận 2); KĐT cảng Hiệp Phước (Nhà Bè)... cũng đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư mặc dù thành phố đã sẵn có quỹ đất sạch và nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp.
Các KĐT mới đã được xây dựng như: dự án khu biệt thự Hà Đô (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2); dự án khu dân cư Khang An (phường Phú Hữu, quận 9), dự án khu đô thị Đông Tăng Long (quận 9)... mặc dù có quy mô hàng nghìn ha nhưng đều nằm trong tình trạng vắng người ở.
Đồng bộ giao thông Theo các chuyên gia kinh tế, muốn thu hút nhà đầu tư đến các KĐT vệ tinh thì cần phải có hệ thống giao thông thuận lợi.
Thấu hiểu điều này, trong những năm qua, hàng loạt tuyến đường giao thông quan trọng nhằm kết nối giữa các vùng, các khu đã được thành phố đầu tư đồng bộ với số vốn lên đến hàng tỷ USD.
Cụ thể như đường vành đai 2 với tổng vốn đầu tư 14 nghìn tỷ đồng, bắt đầu từ ngã tư An Sương, huyện Bình Chánh nối đến đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, qua quận 2, quận Thủ Đức đến đường xuyên Á rồi nhập về ngã tư An Sương. Từ đây sẽ nối vào các KĐT vệ tinh và các đường trục hướng tâm như đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, đường bắc - nam, quốc lộ 50...mới đang được gấp rút triển khai xây dựng và sẽ hoàn thành trong nay mai.
Các tuyến đường vành đai số 3 và số 4 với số vốn khoảng 155 nghìn tỷ đồng cũng đã được triển khai xây dựng. Theo đó, đường vành đai 3 có tổng chiều dài 98 km đi qua địa giới hành chính của tám quận, huyện thuộc bốn tỉnh, thành phố.
Tuyến đường vành đai 4 có tổng chiều dài 197,6 km đi qua 12 huyện thuộc năm tỉnh, thành phố. Cả hai tuyến vành đai được thiết kế là đường cao tốc gồm từ sáu đến tám làn xe vận tốc 60-100 km/giờ, bao gồm nhiều cầu vượt, hầm chui và đường song hành hai làn xe. Theo kế hoạch, hai tuyến vành đai 3 và 4 sẽ hoàn thành theo từng giai đoạn, sớm nhất là năm 2017 và muộn nhất là năm 2025.
Không xáo trộn đời sống người dân Khi việc xây dựng các dự án gặp khó khăn thì làm thế nào để bảo đảm đời sống người dân trong các vùng dự án không bị ảnh hưởng là nhiệm vụ được thành phố đặt lên hàng đầu.
Tại huyện Củ Chi, xã Tân An Hội có tổng cộng 10 ấp với diện tích hơn ba nghìn ha, nhưng đã có đến tám ấp với diện tích hơn hai nghìn ha nằm trong dự án KĐT Tây Bắc. Đại diện UBND xã Tân An Hội cho biết, toàn bộ dự án KĐT Tây Bắc có 11 phân khu thì riêng xã Tân An Hội đã chiếm năm phân khu. Trong các phân khu này hiện mới có hai dự án, gồm dự án 20 ha tái định cư và khu dân cư 100 ha là đã tiến hành công tác kiểm kê trình UBND thành phố duyệt giá bồi thường. Khi các dự án chưa được thực hiện thì người dân vẫn được thực hiện các quyền về đất và tài sản trên đất. Xã Tân An Hội vẫn cho phép người dân chuyển nhượng, xây dựng và canh tác đất đai bình thường.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trọng Hòa, đầu tư cơ sở vật chất cho người dân sinh sống tại đô thị vệ tinh phải cần nguồn lực rất lớn. Do vậy, việc xây dựng các đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh rất cần sự quan tâm của Chính phủ và của cả thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân