Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết

Cập nhật 22/05/2014 09:10

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, dự án đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai)-Phan Thiết (Bình Thuận) đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đo đạc, thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, dự án đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai)-Phan Thiết (Bình Thuận) đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đo đạc, thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng.

Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)

Tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công dự án theo đúng tiến độ đề ra.

Hiện các nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ đo đạc, thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng qua địa bàn huyện Hàm Tân dài 24km với tổng diện tích thu hồi đất của dự án đi qua địa bàn huyện Hàm Tân khoảng 890.000m2.

Để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh Bình Thuận xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, chỉ đạo các địa phương nằm trong vùng dự án dồn sức chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng qua địa bàn.

Đối với những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các địa phương giải quyết, nếu cần thiết thì lập tổ công tác tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc xảy ra.

Trong quá trình giải quyết, lực lượng chức năng phải tìm hiểu từng hoàn cảnh hộ dân để xem xét giải quyết nhu cầu chính đáng cho người dân, vận dụng tối đa các chính sách để hỗ trợ người dân, không để người dân bị thiệt thòi trong quá trình giải tỏa, đền bù dự án.

Dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đoạn qua tỉnh Bình Thuận có chiều dài 53km. Quy mô tuyến đường theo quy hoạch là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ với 6 làn xe. Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư trên 846 triệu USD, xây dựng 4 làn xe. Đây là dự án quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).

Đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết khi hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống đường cao tốc Bắc Nam đang được xây dựng từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Cần Thơ (gồm các đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức-Nhơn Trạch-Long Thành, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Cần Thơ), tạo thành tuyến đường cao tốc dài gần 400km đi qua các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết khu vực miền Trung với miền Nam

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+