‘Đáy’ BĐS vẫn chưa chịu ‘lộ thiên’

Cập nhật 08/10/2013 16:55

Trong khi các chuyên gia BĐS khẳng định hiện đã là thời điểm “vàng” để chọn mua các căn hộ, thì thực tế giá BĐS vẫn chưa thực sự “chạm đáy” và sẽ vẫn tiếp tục đà giảm giá sâu hơn nữa.

Trong khi các chuyên gia BĐS khẳng định hiện đã là thời điểm “vàng” để chọn mua các căn hộ, thì thực tế giá BĐS vẫn chưa thực sự “chạm đáy” và sẽ vẫn tiếp tục đà giảm giá sâu hơn nữa.


Còn nhớ cách đây vài tháng (hồi cuối tháng 4/2013), Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cùng nhiều doanh nghiệp BĐS khác đều khẳng định giá nhà trên thị trường cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM, đã “chạm đáy”, khó có thể giảm thêm nữa ngay cả khi có gói hỗ trợ từ Chính phủ. Thậm chí, ông Đức còn tự tin đưa ra lời khuyên: Hãy mua nhà đi, đừng chần chờ gì nữa vì không có thời điểm nào tốt hơn bây giờ.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại, giá BĐS vẫn chưa dừng ở đó mà tiếp tục những đợt “hạ giá” mới. Đặc biệt là cuộc đua giảm giá được cho là “gây sốc” trên thị trường BĐS diễn ra hồi tháng 9 vừa qua. Sau 2 “phát súng” của Novaland và Phát Đạt với tuyên bố giảm giá tới 50% các căn hộ cao cấp, công ty cổ phần đầu tư Chương Dương cũng cho biết sẽ giảm giá bán căn hộ thuộc phân khúc bình dân tại dự án Tân Hương Tower (Tân Phú, TP.HCM) từ 10 - 20% so với giá công bố trước đó.

Không chỉ giảm giá bán căn hộ trực tiếp, các doanh nghiệp BĐS khác tại TP.HCM còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Điển hình là ngày 20/9, Tập đoàn Đất Xanh đã tổ chức công bố dự án bất động sản Sunview Town với giá bán 10,9 triệu đồng/m2, khuyến mãi thêm phí quản lý (chi phí dịch vụ nhà chung cư) từ 3 đến 10 năm.

Cùng tham gia vào cuộc đua giảm giá của các “đại gia” BĐS, những nhà đầu tư nhỏ lẻ ôm một vài căn hộ, nền đất, nhà mặt tiền cũng buộc phải giảm giá để thoát vốn trước khi quá muộn. Tờ Lao Động trích lời bà Thanh Hằng - một nhà đầu tư BĐS nhỏ ở Biên Hòa - cho biết 5 năm trước trong cơn sốt nhà đất hồi năm 2008 đã mua lại suất căn hộ của chung cư The Mansion ở Khu Đô thị mới Nam Sài Gòn với giá 23 triệu đồng/m2. Tại thời điểm đó, giá gốc dự án này là 16 triệu đồng/m2 và nếu sang nhượng thành công sẽ thu về được khoản chênh lệch lên tới 500 – 600 triệu đồng/căn hộ. Thế nhưng, dự án The Mansion phải đến 4 năm sau mới giao nhà, đúng lúc thị trường căn hộ chung cư đang trong giai đoạn khủng hoảng thừa. Để thoát vốn, bà Hằng buộc phải bán lại căn hộ đã mua với giá 2,3 tỷ đồng trước đây xuống còn 1 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng việc ôm căn hộ này bà Thanh Hằng đã “đi đứt” gần 1,3 tỷ đồng.

Điều đáng nói là số lượng các dự án BĐS được bán lại của các nhà đầu tư thứ cấp kiểu này đang ngày gia tăng do tâm lý sợ “ôm bom nổ chậm”, đặc biệt là trong bối cảnh đến cả những “ông lớn” trong ngành BĐS cũng phải hạ giá bán để giải quyết hàng tồn. Tuy nhiên, theo những nhân viên môi giới căn hộ, mặc dù đã các nhà đầu tư thứ cấp đã phải chịu lỗ đến gần một nửa nhưng việc tìm người mua vẫn rất khó. Có lẽ một phần là do tâm lý chờ đợi của người mua hy vọng BĐS sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa. Đó là còn chưa kể sự mất niềm tin của người mua đối với chiêu hạ giá được cho là “phá giá” kia khi mức giá đã giảm kia vẫn ở ngưỡng “trên trời”.

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, giảm giá đang được coi là “phương án duy nhất” để giúp BĐS thoát khỏi thảm cảnh “chợ chiều” kéo dài trong nhiều năm qua. Vì vậy, rõ ràng giá BĐS sẽ còn tiếp tục xu hướng giảm giá đến khi nào bắt kịp được cầu của người mua. Đồng quan điểm với ông Đực, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế độc lập - cũng nhận định việc giảm giá BĐS sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, nhất là căn hộ cao cấp sau một thời gian đóng băng nay buộc phải giảm sâu nếu muốn bán được. Do đó, hiện vẫn chưa phải là thời điểm xác lập “đáy” của giá nhà đất. Mà kể cả giờ giá BĐS có đang ở “đáy” rồi, các doanh nghiệp có phải “bán lỗ” đi nữa thì đó cũng là câu chuyện bình thường trong kinh doanh. Để lỗ là do doanh nghiệp không tính được hết cầu thị trường, đưa ra các quyết định sai lầm, chứ không phải người dân kêu hay nài ép. Thế mà giờ các doanh nghiệp than thở cứ như thể để thị trường xuống dốc là lỗi của người dân không chịu mua nhà vậy, trong khi lúc thị trường nóng sốt thì chẳng thấy ai kêu đừng mua nhà nữa!

DiaOcOnline.vn - Theo Sống mới