Chẵn một thập kỷ, Hà Nội thực hiện việc đầu tư cải tạo, xây mới các chung cư cũ, nhưng đến thời điểm hiện tại, hơn 90% số dự án vẫn không thể tiến hành, mà nguyên nhân chính là sự không đồng thuận từ phía người dân.
Không thống nhất được giá đền bù là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án cải tạo chung cư cũ bị chậm tiến độ |
Chẵn một thập kỷ, Hà Nội thực hiện việc đầu tư cải tạo, xây mới các chung cư cũ, nhưng đến thời điểm hiện tại, hơn 90% số dự án vẫn không thể tiến hành, mà nguyên nhân chính là sự không đồng thuận từ phía người dân.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, Thành phố hiện có hơn 77 khu chung cư, tập thể cũ được xây dựng và đưa vào sử dụng trên dưới 40 năm. Trong đó, nhiều khu chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, như khu tập thể Giảng Võ, khu tập thể Văn Chương, Nguyễn Công Trứ, Thành Công và nhiều chung cư đơn lẻ khác. Từ năm 2002, HĐND TP. Hà Nội đã có nghị quyết về việc cải tạo lại các khu chung cư này, nhằm đảo bảo mỹ quan đô thị, cũng như sự an toàn cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm triển khai, số dự án được cải tạo xây mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là các dự án: I1 - I2 - I3, nhà C1 Thành Công, 187 - Sơn Tây, B4, B14 Kim Liên, C7, B6 Giảng Võ… Hàng chục khu nhà chung cư đã được đưa vào chương trình cải tạo, xây mới như D2, C4 Giảng Võ, C1 Thành Công, khu Nguyễn Công Trứ, Văn Chương… đều đang dậm chân tại chỗ.
Tìm hiểu thực tế tại nhiều dự án cải tạo chung cư cũ, đa phần các dự án bị chậm trễ đều do nguyên nhân đền bù, giải phóng mặt bằng. Người dân và đơn vị thực hiện dự án không thống nhất về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
Theo quy chế cải tạo nhà chung cư của UBND TP. Hà Nội, sau khi cải tạo, các hộ dân được đền bù diện tích căn hộ với hệ số 1,4 - 1,7 lần so với căn hộ cũ, đồng thời được hỗ trợ di dời, tạm trú trong thời gian phá dỡ, xây mới căn nhà. Tuy nhiên, đa phần các hộ dân đều yêu cầu được đền bù diện tích trên 2 lần, thậm chí 3 lần. Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện các dự án cải tạo chung cư cũ đều nằm tại các quận trung tâm của Thành phố, nơi bị khống chế chiều cao công trình.
Về phía người dân sinh sống tại các khu chung cư cũ lại cho rằng, tiếng là chung cư cũ, nguy hiểm, nhưng mảnh đất dưới chân các toà chung cư lại là các khu đất “vàng” với vị trí vô cùng đắc địa. Thực tế, những căn hộ chung cư lắp ghép bằng bê tổng tấm lớn từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước lại có giá cao ngất ngưởng. Một căn hộ tầng 5 tại Khu tập thể Giảng Võ, Pháo đài Láng hay Vĩnh Hồ đều có giá từ 1 đến vài tỷ đồng/căn hộ. Ngoài lý do người dân đã quen với cuộc sống nội đô, việc di dời các hộ dân để thực hiện dự án còn gặp khó khăn do cách thức tiến hành của chủ đầu tư và chính quyền địa phương còn nhiều điều đáng bàn.
Theo ông Phạm Ngọc Bích, nguyên Bí thư Chi bộ C4B (Khu tập thể C4 Giảng Võ), người dân tại đây rất đồng tình với chủ trương cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ của Thành phố. Tuy nhiên, bà con nhân dân lại không đồng tình với cách làm mang tính áp đặt của chủ đầu tư và lãnh đạo chính quyền phường Giảng Võ khi triển khai dự án này. Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội số 5 là đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án chưa bao giờ làm việc trực tiếp với dân để thống nhất những quyền lợi cơ bản của dân (với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp quỹ tài sản nhà ở, đất ở). Nghiêm trọng hơn, trong khi các hộ dân chưa thông qua phương án kinh xây nhà C4 mới do đơn vị thực hiện dự án đưa ra, thì UBND quận Ba Đình lại có quyết định số 1676/QĐ - UBND ngày 9/7/2009 về việc thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án phá dỡ, xây dựng mới nhà C4 Giảng Võ, Hội đồng Bồi thường có nhiệm vụ thực hiện di chuyển toàn bộ người và tài sản ra khỏi khu nhà khiến nhân dân hết sức bức xúc. Dự án trở nên bế tắc khi người dân liên tiếp khiếu kiện yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải đối thoại với người dân về phương án bồi thường cũng như phương án đầu tư, xây dựng phải được hạch toán một cách công khai, minh bạch.
Dự án Cải tạo Nhà C1 Thành Công là một ví dụ khác. Trận lụt “kinh điển” năm 2008 tại Hà Nội khiến toàn bộ người dân sống trong khu nhà này phải di dời khẩn cấp đến tạm cư tại Nhà N06 Dịch Vọng - Cầu Giấy (Hà Nội) để tránh lụt. Dự án Cải tạo, xây mới nhà C1 Thành Công sau đó được UBND Thành phố giao Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo các hộ dân sống tại nhà C1 Thành Công, từ đó đến nay, dự án vẫn chưa thể tiến hành triển khai xây dựng, do người dân không đồng tình với phương án đền bù mà chủ đầu tư đưa ra.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư