Đầu tư lướt sóng hết thời?

Cập nhật 11/12/2014 13:26

Thị trường BĐS năm 2015 được dự báo khó có sự phát triển đột biến khi không có nhiều dự án mới được triển khai, chủ đầu tư cũng bị nhiều chính sách kiềm chặt. Điều này khiến việc đầu tư BĐS theo kiểu lướt sóng - một trong những yếu tố tạo nên sức hút cho thị trường- trở thành câu hỏi khó trả lời.

Thị trường BĐS năm 2015 được dự báo khó có sự phát triển đột biến khi không có nhiều dự án mới được triển khai, chủ đầu tư cũng bị nhiều chính sách kiềm chặt. Điều này khiến việc đầu tư BĐS theo kiểu lướt sóng - một trong những yếu tố tạo nên sức hút cho thị trường-  trở thành câu hỏi khó trả lời.

Giao dịch tăng

Số lượng giao dịch tăng là điều có thể nhận thấy ở thị trường BĐS, đặc biệt ở nửa cuối năm 2014. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 11 tháng năm 2014, số lượng giao dịch BĐS thành công tại Hà Nội xấp xỉ con số 10.000. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thống kê chính thức các giao dịch qua sàn, chưa tính tới tới số giao dịch của người dân, nên con số thực tế được dự đoán cao hơn nhiều.

Theo tính toán, số lượng giao dịch này bằng 200% so với cùng kỳ năm 2013, trong khi số giao dịch của năm 2013 cũng gấp rưỡi so với năm 2012. Còn tại TPHCM, số giao dịch trong thời gian trên là 8.850, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2013.

Giao dịch khả quan so với năm trước có thể nhận thấy qua số lượng giao dịch thực tế tại các sàn BĐS. Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Đất Xanh Miền Bắc, chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2014, sàn giao dịch này đã bán được số lượng bằng cả năm 2013. Còn đại diện sàn giao dịch của Liên minh G5 cũng cho biết trong 10 tháng năm 2014, doanh số và giao dịch đã tăng 1,5 lần so với cả năm 2013

Một báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây cũng cho thấy số lượng giao dịch thành công trên thị trường BĐS liên tục tăng từ giữa năm 2013 đến nay. Thị trường BĐS đón nhận những dấu hiệu khởi sắc bước đầu với triển vọng tích cực từ các dòng vốn tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối, đầu tư của hộ gia đình.

Nhu cầu ở thực và đầu tư dài hạn

Cũng theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khảo sát vào tháng 8-2014, 24% người được hỏi cho biết có đầu tư vào BĐS, tăng 11 điểm phần trăm so với khảo sát 6 tháng trước đó và gần đạt mức khảo sát của tháng 2-2012 (24,5%). Trước đó,  thống kê trong tháng 9 của Sàn giao dịch BĐS Đất Xanh cũng cho thấy nhu cầu đầu cơ của nhà đầu tư trên thị trường BĐS đã tăng trở lại khoảng 4%.

Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn luôn chờ cơ hội để quay trở lại thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo ông Vũ Cương Quyết, giới đầu cơ mới chỉ thăm dò là chính, bởi họ đã trở nên rất thận trọng sau một thời gian dài thị trường suy yếu. Giám đốc một sàn giao dịch BĐS ở Láng Hạ cũng cho biết số lượng giao dịch so với năm 2013 rất khả quan, tuy nhiên người mua nhà để ở chiếm đến 70% trong số giao dịch thành công.

Lý giải cho điều này, vị này cho biết thị trường gần như không có nhiều dự án mới mở bán, một phần dự án cũ đang sa lầy, trong khi đó những người mua cuối sẵn sàng từ chối nếu phải trả tiền chênh lên đến hàng trăm triệu đồng để mua nhà. Đây là lý do khiến việc lướt sóng BĐS không còn ngon ăn như trước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh sàn BĐS G5, nhận định dù thị trường có thanh khoản cao, giá nhiều dự án tăng lên nhưng khó có thể xảy ra hiện tượng sốt ảo bởi nhu cầu đầu tư, đầu cơ hiện nay không nhiều, phần lớn là nhu cầu ở thực và đầu tư dài hạn.

Một số dự án BĐS trên đường Lê Văn Lương kéo dài được rao bán với mức giá lỗ 25-30%.

Theo các chuyên gia BĐS, điểm yếu lớn nhất hiện nay của thị trường BĐS khiến BĐS mất giá chính là hạ tầng. Hàng loạt dự án BĐS yếu kém về hạ tầng như xa khu dân cư, không có hệ thống giao thông, không có trường học, chợ, bệnh viện… đều đang rơi vào trạng thái sống dở chết dở vì có hạ giá đến bao nhiêu đi chăng nữa, người mua cũng không mua và cũng không còn ai đầu cơ các căn hộ ở đây.

Theo khảo sát của ĐTTC, một số dự án BĐS tại Hà Nội nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài hay Đại lộ Thăng Long, nhiều nhà đầu tư đã rao bán các căn hộ với mức giá lỗ đến 25-30% so với mức giá họ mua từ chủ đầu tư, thậm chí lỗ cao hơn nếu họ mua lại và phải trả thêm tiền chênh, nhưng cũng không thể bán được.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong đầu tư BĐS có 2 yếu tố cực kỳ quan trọng là vốn và vị trí, những dự án này ngay từ đầu đã chọn sai vị trí, hiện nay cả chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư phải chịu, đây cũng chính là một bài học của thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư