Đầu tư khách sạn cao cấp:đang hút vốn đầu tư

Cập nhật 07/09/2007 10:00

Theo thống kê của ngành du lịch, hiện cả nước có trên 7.000 điểm cho thuê phòng, bao gồm khách sạn, nhà trọ... với tổng số 140.000 phòng...

Theo thống kê của ngành du lịch, hiện cả nước có trên 7.000 điểm cho thuê phòng, bao gồm khách sạn, nhà trọ... với tổng số 140.000 phòng. Trong số này có 25 khách sạn 5 sao, 64 khách sạn 4 sao, 135 khách sạn 3 sao, còn lại là khách sạn 1 hoặc 2 sao. Trong đó số phòng khách sạn tiêu chuẩn 3-5 sao trên cả nước chỉ đạt khoảng gần 5.000 phòng.

Thiếu phòng khách sạn cao cấp

Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Hiện Hà Nội có 8 khách sạn 5 sao với 2.360 phòng, 6 khách sạn 4 sao với trên 1.000 phòng, những điểm lưu trú này luôn trong tình trạng kín khách. Hiện tỷ lệ thuê phòng tại KS Daewoo luôn đạt trên 80%, KS Melia, lên tới 95%.Yếu tố thời vụ giảm, gần như không còn mùa thấp điểm, cụ thể như vào tháng 5 và tháng 6 hằng năm là thời gian vắng khách của khách sạn, nhưng công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn vẫn đạt hơn 70%.

Theo số liệu thống kê của ngành du lịch: Năm 2006, cả nước có khoảng 21,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế là 3,6 triệu, tăng 3,7% so với năm 2005. Năm 2007, dự kiến số khách du lịch sẽ tăng lên 23-24,4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 4,4 triệu lượt. Tốc độ tăng trưởng của khách quốc tế từ 10-20% và 2010 Việt Nam sẽ đón 5,5-6 triệu lượt khách quốc tế. Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu phòng khách sạn 3-5 sao sẽ vào khoảng 11.100 phòng và khách sạn 1-2 sao khoảng hơn 20.000 phòng.

Theo đánh giá của ngành du lịch: việc thiếu phòng khách sạn đã khiến công suất phòng luôn ở mức từ 62-63%. Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Dự kiến đến năm 2010, Hà Nội sẽ có khoảng 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế và thành phố sẽ cần khoảng 26.000 phòng từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 7.000 phòng 4-5 sao. Phòng thiếu, giá thuê phòng liên tục tăng nên tỷ lệ lãi ròng trên tổng doanh thu tại các khách sạn 4 sao và 5 sao luôn đạt từ21- 39,7%. Đây là điều hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

Nhiều biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn


Để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có những chính sách ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư khách sạncao cấp. UBNDTP Hà Nội đã ban hành cơ chế ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư xây dựng khách sạn bốn -năm sao trên địa bàn Hà Nội. Thành phố chỉ đạo các sở, ngành lựa chọn những diện tích đất phù hợp đã quy hoạch để xây dựng khách sạn trình UBND thành phố duyệt làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư, nghiên cứu để dành một số vị trí có được sau khi di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khu vực ngoại thành để xây dựng khách sạn.

Nhờ những chính sách đúng đắn, chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã thu hút được khá nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn. Nếu trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2000, hầu như không có dự án nước ngoài mới về đầu tư khách sạn, thì từ đầu năm 2007 đến nay, Hà Nội đã thu hút đầu tư vào lĩnh vực khách sạn với số vốn đầu tư khoảng 1,242 tỷ USD với 2.200 phòng khách sạn năm sao. Khởi đầu là tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) được Hà Nội chấp thuận đầu tư tổ hợp khách sạn 5 sao với 500 phòng và khu văn phòng cao 70 tầng, tổng vốn 500 triệu USD.

Dự kiến dự án này sẽ hoàn tất vào năm 2010, trước dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngay sau đó, tổ hợp Riviera-CSK của Nhật cũng quyết định xây dựng khách sạn 5 sao với 550 phòng gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Công trình cao 9 tầng với số vốn 500 triệu USD này sẽ được khởi công cuối năm nay và hoàn thành năm 2010. Tháng 6/2007 tập đoàn Charmvit của Hàn Quốc đã khởi công khách sạn 5 sao, có diện tích hơn 47.600 m2 với 630 phòng mang tên Hà Nội Plaza tại Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy. Chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án trước ngày 1/7/2009.

Tại TP Hồ Chí Minh mới đây VinaCapital bỏ ra 16,5 triệu USD mua lại hơn 52% cổ phần của Omni Saigon Hotel với 249 phòng.

Không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài mới đầu tư vào lĩnh vực khách sạn mà các doanh nghiệp trong nước cũng đã đẩy mạnh việc đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom cho biết: cuối năm 2007, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty sẽ đầu tư 250 triệu USD xây dựng một Khu liên hợp Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn 5 sao với 620 phòng. Tổng công ty Du lịch Hà Nội cũng đã đầu tư một khoản kinh phí khá lớn cho việc xây dựng hoặc hoàn thiện một số khách sạn cao cấp như như Khách sạn Intercontinental 5 sao, 315 phòng dự kiến hoàn thành quý II/2007, khách sạn Đông Đô 3 sao với 56 phòng dự kiến hoàn thành trong năm 2007.

Một số khách sạn đang được xây dựng lại với quy mô lớn hơn như Khách sạn Hoàn Kiếm (4 sao, 126 phòng), Đồng Lợi (3 sao, 70 phòng), Dân Chủ (4 sao, 160 phòng). Trong tháng 8-2007, Saigontourist đã khởi công xây dựng mở rộng và nâng cấp Khách sạn Đồng Khởi - Grand thành khách sạn 5 sao với 238 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế với vốn đầu tư 328 tỷ đồng.

  

Theo Thu Hương - Kinh Tế - Đô Thị