Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là vấn đề không mới đối với nhiều địa phương trong cả nước, nhưng với Thái Nguyên quả là lạ lẫm và mới mẻ...
Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là vấn đề không mới đối với nhiều địa phương trong cả nước, nhưng với Thái Nguyên quả là lạ lẫm và mới mẻ.
Lý do đơn giản bởi lâu nay các nhà đầu tư tự bỏ vốn xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ở Thái Nguyên còn rất hiếm và có chăng chỉ là những nhà đầu tư mang danh nghĩa quốc doanh hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Đơn cử như Khu công nghiệp (KCN) Sông Công (thị xã Sông Công) - KCN tập trung đầu tiên của tỉnh- luôn là điểm đến đối với các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, nhưng đến thời điểm này hạ tầng của KCN vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Điển hình là hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung luôn gây bức xúc trong dư luận và mới đây nhất là sự kiện Nhà máy kẽm điện phân (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại mầu Thái Nguyên) phải bồi thường gần 100 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường.
Tất cả những tồn tại đang hiện hữu trước mắt mỗi người bởi nguyên nhân cơ bản là không có nhà đầu tư nào dám tự bỏ vốn xây dựng hạ tầng. Ngược lại, tất cả đều do Nhà nước đứng ra đầu tư và đơn vị được giao quản lý hạ tầng KCN cũng là một doanh nghiệp Nhà nước (Công ty Phát triển hạ tầng).
Do vậy, khi Nhà nước chưa cấp vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng Công ty cũng chỉ biết chờ và đợi. Dù chậm trễ, song bước đầu có thể khẳng định bài toán này đã có lời giải khi có hai doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng vào KCN Điềm Thuỵ - Phú Bình (huyện Phú Bình) và Nam Phổ Yên (huyện Phổ Yên) đang trong giai đoạn quy hoạch với quy mô lớn là Công ty cổ phần Thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần may xuất khẩu Thái Nguyên. Hiện nay, Công ty cổ phần Thép Thái Nguyên đang khẩn trương xúc tiến xin đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Nam Phổ Yên.
Với năng lực đầu tư của mình, doanh nghiệp này hoàn toàn bảo đảm tính khả thi của dự án bởi đơn vị đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho 4 Nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô vào KCN Sông Công. Trong khi đó, Công ty cổ phần may xuất khẩu Thái Nguyên cũng đã lập xong các phương án cần thiết để khi có quy hoạch sẽ chủ động xây dựng dự án đầu tư hạ tầng vào KCN Điềm Thuỵ - Phú Bình.
Theo tính toán, đầu tư hạ tầng vào KCN Điềm Thuỵ - Phú Bình "ngốn" tới cả nghìn tỷ đồng và khả năng tự mình đứng ra đầu tư là quá sức. Để dự án đảm bảo tính khả thi, Công ty cổ phần may xuất khẩu Thái Nguyên đã mời gọi được một số đối tác tiềm năng khác cùng góp vốn (trong đó có một số quỹ đầu tư nước ngoài) để thành lập Công ty mới với tên gọi: Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng KCN Điềm Thuỵ. Các bên sẽ hợp tác theo hình thức góp vốn điều lệ với tổng vốn khoảng 300 tỷ đồng, số còn lại huy động trên thị trường chứng khoán; đồng thời nhà đầu tư được tỉnh hỗ trợ theo quy định của Chính phủ dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng KCN.
Rõ ràng sự mạnh dạn của hai doanh nghiệp trên sẽ là tiền lệ tốt, thúc đẩy các doanh nghiệp khác đầu tư vào Thái Nguyên theo hình thức này. Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng các KCN chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp và giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và hơn thế còn là động lực, điều kiện giúp cho chính các doanh nghiệp hoạt động, đầu tư hiệu quả hơn.
Theo Hoàng Hải - BTN & MT