Một số khách sạn 2-3 sao nằm ở trung tâm thành phố đã được đem rao bán khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng lợi nhuận đạt được.
Một số khách sạn 2-3 sao nằm ở trung tâm thành phố đã được đem rao bán khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng lợi nhuận đạt được.
Theo báo cáo về thị trường khách sạn Việt Nam của CBRE, sau hai quý tăng nguồn cung (Hilton Garden Inn Hà Nội trong quý 1 và Candeo Hotels Hà Nội trong quý 2), không có nguồn cung mới được ghi nhận trong Q3/2013. Khách sạn Đại Dương (3 sao) đóng cửa khiến nguồn cung giảm 50 phòng. Đến cuối Q3/2013, tổng nguồn cung tích lũy của Hà Nội ở mức 8.781 phòng, chủ yếu tập trung ở các quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Phải đối mặt với nhiều khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, khi khách quốc tế, đặc biệt là từ các nước châu Âu, giảm mạnh và thị trường khách sạn đối mặt với tình trạng dư thừa cung trong ngắn hạn. Thị trường khách sạn đã ghi nhận xu hướng giảm giá thuê phòng. Hầu hết các khách sạn đã phải điều chỉnh giảm giá phòng của họ để duy trì công suất cho thuê. Trong quý 3, một số dự án tiếp tục áp dụng chiến lược giảm giá. Kết quả là giá phòng trung bình trên ngày cho toàn thị trường đạt xấp xỉ 72,5 USD/phòng/đêm, giảm 0,8% so với quý trước và 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quý 3 là mùa thấp điểm của thị trường khách sạn Hà Nội.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 1,36 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách nội địa tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã phần nào giúp giảm áp lực lấp đầy phòng trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra và thắt chặt chi tiêu của khách du lịch và doanh nghiệp.
Theo nhận định của ông Richard Leech – Giám đốc điều hành CBRE, trên thị trường đã cho thấy dấu hiệu thoái vốn của các chủ đầu tư khách sạn tại Hà Nội. Thực tế, đa phần các khách sạn tại Hà Nội gặp phải công suất thuê và giá thuê đi xuống nên nhu cầu bán rất cao. |
Trong ba tháng cuối năm 2013 dự kiến tổng nguồn cung sẽ tăng lên 9.840 phòng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự án quan trọng nhất mới gia nhập thị trường Hà Nội là khách sạn 5 sao JW Marriot với 450 phòng. Trong khi đó, một số khách sạn 2-3 sao nằm ở trung tâm thành phố đã được đem rao bán khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng lợi nhuận đạt được
Một diễn biến tích cực cho thị trường khách sạn Việt Nam là hãng hàng không giá rẻ đầy tham vọng VietJet Air đã đồng ý mua tới 92 máy bay Airbus (EAD.PA) trị giá khoảng 8.6 tỉ USD vào khoảng thời gian giữa 2014 và 2022 trong một động thái nhằm tăng cường sự hiện diện của hãng trong một thị trường phát triển nhanh ở khu vực. Điều này sẽ tạo sự tiện lợi và nhu cầu cao hơn cho người nước ngoài đến Việt Nam.
Đã có khách sạn được chào bán trong thời gian qua, điển hình là Metropole Hà Nội hồi cuối năm 2012. Theo đó, VinaCapital VN đã thuê Cty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle rao bán 50% cổ phần trong khách sạn Metropole Hà Nội, với giá chào bán tương đương giá trị sổ sách là 58,7 triệu USD.
Mặt khác, không ít khách sạn đang cần cải tạo nâng cấp. Do đó, họ cần nguồn vốn bổ sung từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã quan tâm đến những thương vụ này như Lotte Hotels & Resorts (Hàn Quốc) mua Khách sạn Legend Hotel Saigon trị giá hơn 62 triệu USD.