Đấu giá quyền sử dụng đất: Giải quyết tồn đọng tài chính trong Quý I-2015

Cập nhật 09/01/2015 09:21

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến ngày 31-12-2014, số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất là 2.989 tỷ đồng, trong đó 10 đơn vị tổ chức đấu giá 11ha quỹ đất do thành phố quản lý (có diện tích hơn 5000m2), thu 2.073 tỷ đồng, vượt 38% so với kế hoạch giao đầu năm (1.500 tỷ đồng) và bằng 105% kế hoạch đã bổ sung (1.980 tỷ đồng).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến ngày 31-12-2014, số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất là 2.989 tỷ đồng, trong đó 10 đơn vị tổ chức đấu giá 11ha quỹ đất do thành phố quản lý (có diện tích hơn 5000m2), thu 2.073 tỷ đồng, vượt 38% so với kế hoạch giao đầu năm (1.500 tỷ đồng) và bằng 105% kế hoạch đã bổ sung (1.980 tỷ đồng).

Thị trường bất động sản ấm, đấu giá đất sôi động


Một tín hiệu khả quan là thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhiều phiên đấu giá tăng cả về người tham gia và quy mô diện tích. Với quỹ đất do địa phương quản lý (diện tích dưới 5.000m2), đã có 16/30 quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá thành công hơn 7,3ha, thu hơn 916 tỷ đồng, góp phần tăng thu ngân sách, bổ sung đầu tư phát triển nông thôn mới. Nhiều địa phương thu vượt kế hoạch, thậm chí có những nơi thu từ đấu giá quyền sử dụng đất vượt kế hoạch 2-3 lần.

Dự kiến, năm 2015 thành phố thu khoảng 2.200 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: Đàm Duy

Tuy nhiên, vẫn còn đơn vị có kết quả đấu giá rất thấp, như: Cầu Giấy, Đan Phượng, Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất Hà Nội. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, do khó khăn về nguồn vốn ngân sách nên một số dự án đấu giá đất không được bố trí kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Một số huyện, thị xã đang chờ phê duyệt quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, cũng ảnh hưởng đến việc xác định địa điểm lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật để đấu giá đất. Đại diện quận Nam Từ Liêm cho biết, có nhiều dự án đã đấu giá 5-6 năm nhưng nhà đầu tư vẫn để hoang không triển khai, gây mất mỹ quan, lãng phí, đồng thời nợ đọng địa phương nghĩa vụ tài chính. Ngược lại, dự án đấu giá 49ha đất tại Xuân Phương, đã vay 200 tỷ đồng chi trả giải phóng mặt bằng nhưng vẫn còn thiếu; chưa có dự án nào mà chi bộ, tổ dân phố phải xét xem ai nhận tiền đền bù trước ai nhận tiền sau. Chưa kể vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, san nền nên chưa thể tổ chức đấu giá. Đại diện thị xã Sơn Tây chia sẻ, thị trường bất động sản mặc dù có dấu hiệu ấm lại nhưng chưa thể sôi động như những năm trước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai việc đấu giá quyền sử dụng đất năm 2015 được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu, những tồn đọng về tài chính sẽ giải quyết dứt điểm trong quý I-2015. Đối với nợ quá hạn, thực tế có trường hợp đã trúng đấu giá rồi bỏ do khó khăn tài chính; địa chỉ không tìm thấy, đi nước ngoài… quận, huyện rà soát, xử lý. Trường hợp vẫn còn vướng mắc, báo cáo UBND thành phố để tháo gỡ, dứt khoát không để tồn đọng. Tuy nhiên, mặt khác, phải xem trách nhiệm của Nhà nước đối với đơn vị, cá nhân đấu giá, xem có phải bổ sung, điều chỉnh gì không. "Trường hợp không có đường, không có điện, nước; giới thiệu hàng một đằng, bán một nẻo người ta không nộp tiền là đúng" - Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nói.

Bảo đảm quy hoạch, văn minh đô thị

Giải quyết những vướng mắc trong đấu giá quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị những dự án khó khăn về nguồn vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, địa phương có thể chia thành nhiều giai đoạn, thực hiện theo kiểu "cuốn chiếu", vừa đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư vừa giảm áp lực về nguồn vốn từ ngân sách. Với diện tích trên 5.000m2 thì ưu tiên hình thức đấu giá thực hiện dự án đầu tư nhằm giảm áp lực chi phí vốn xây dựng hạ tầng. Địa phương còn quỹ đất đủ điều kiện đấu giá trong năm 2014 chưa tổ chức đấu giá, chậm nhất đến tháng 6-2015 phải hoàn thiện thủ tục. Đặc biệt, sở này kiến nghị UBND thành phố ủy quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng để xây dựng nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân. Đối với quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt, đấu giá quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, thành phố cho phép không thuê tư vấn xác định giá đất, giao UBND cấp huyện điều tra khảo sát giá đất thị trường và đề xuất giá khởi điểm. Căn cứ giá khởi điểm do UBND cấp huyện đề xuất, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổng hợp trình UBND thành phố phê duyệt. Số thu dự kiến từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2015 được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra khoảng 2.200 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng: Các khu đất xen kẹt, giao trách nhiệm cho các quận, huyện. Nhưng việc đưa ra giá sàn, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm cuối cùng thuộc thành phố với nguyên tắc phải có đơn vị tư vấn độc lập. Nếu có thể, Sở Tài chính giao trách nhiệm cho tư vấn xác định giá từng khu vực, trên cơ sở đó áp giá từng dự án theo hệ số. Các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt cũng dần hết, quận, huyện phải tính chuyển sang các dự án lớn.

Đấu giá quyền sử dụng đất là nhiệm vụ trọng tâm, tăng nguồn thu cho ngân sách, từ đó đầu tư cho hạ tầng, nông thôn mới nên các địa phương phải quyết liệt. Song mục tiêu không phải là đấu giá quyền sử dụng đất bằng mọi giá mà phải bảo đảm đúng quy hoạch, bảo đảm văn minh đô thị. Thị trường bất động sản tan băng, khởi sắc là điều kiện thuận lợi để kỳ vọng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất thành công trong năm 2015.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới