Đấu giá mạnh đất xen kẹt

Cập nhật 29/10/2013 08:23

* Phấn đấu thu 2.000 tỷ đồng đấu giá đất trong năm 2013 Bên cạnh việc siết lại kỷ cương thu - chi ngân sách, Hà Nội cũng đang tìm nhiều giải pháp nhằm cải thiện nguồn thu. Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tập trung mạnh vào đấu giá đối với những diện tích đất xen kẹt. Nếu quyết tâm cao, Hà Nội sẽ thu được 2.000 tỷ đồng từ đấu giá đất trong năm nay.

* Phấn đấu thu 2.000 tỷ đồng đấu giá đất trong năm 2013

Bên cạnh việc siết lại kỷ cương thu - chi ngân sách, Hà Nội cũng đang tìm nhiều giải pháp nhằm cải thiện nguồn thu. Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tập trung mạnh vào đấu giá đối với những diện tích đất xen kẹt. Nếu quyết tâm cao, Hà Nội sẽ thu được 2.000 tỷ đồng từ đấu giá đất trong năm nay.


Xu hướng, Hà Nội sẽ có thêm nhiều diện tích đất sạch có hạ tầng. Ảnh: Nguyễn Tú.

* Để cải thiện nguồn thu ngân sách, sở TN&MT đã kiến nghị đẩy mạnh thu tiền đấu giá đất xen kẹt. Việc này có khả thi khi thị trường nhà đất đang “án binh bất động”, thưa ông?

Hầu hết các dự án bất động sản đều đang gặp khó khăn, hàng tồn kho lớn. Ngay cả việc tổ chức đấu giá nhiều khu đất nhưng ít người tham gia, thậm chí có dự án không có ai tham gia. Tuy nhiên, mảng thị trường đất xen kẹt lại khá có tiềm năng. Lý do diện tích đất xen kẹt nhỏ, vị trí thường kẹt giữa các khu dân cư có sẵn, việc đầu tư cho hạ tầng hầu như không lớn. Tập trung đấu giá đất xen kẹt là giải pháp hợp lý, hiệu quả cao ngay cả trong lúc thị trường gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Trọng Đông.

* Lợi thế từ thu tiền sử dụng đất xen kẹt đã thấy rõ, nhưng sẽ không có nhiều diện tích để đem lại nguồn thu lớn thưa ông?

Qua khảo sát của chúng tôi, ngoại trừ 4 quận nội thành cũ hầu như không còn đất xen kẹt, các quận, huyện ven đô đều còn nhiều đất xen kẹt như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì... Đây là các địa bàn nội thành hoặc giáp ranh nội thành nên khá hấp dẫn nhà đầu tư vì tính thanh khoản sẽ cao, dễ thu hồi vốn.

Việc quan trọng nhất là các quận huyện cuối năm cần tập trung mạnh vào hoàn thiện hồ sơ tổ chức đấu giá. Hiện toàn thành phố 40 ha đất sạch đã có hạ tầng và cuối năm sẽ có khoảng 40 ha nữa. Theo kinh nghiệm thì những tháng cuối năm sẽ là thời kỳ cao điểm của việc đấu giá vì tiền tích luỹ, sức mua của dân tăng lên.

Ông Nguyễn Trọng Đông

* Thực tế Hà Nội đang rất bế tắc về nguồn thu từ tiền sử dụng đất?

Hiện việc thu tiền sử dụng đất đang gặp nhiều khó khăn do thị trường đóng băng, nhiều doanh nghiệp xin giãn thu. Tình trạng người trúng thầu đấu giá nợ đọng tiền sử dụng đất còn nhiều. Các dự án bất động sản mới hầu như không có, các dự án dở dang đang rất khó khăn… Tính đến hết tháng 8/2013 Hà Nội mới thu được 2.470 tỷ đồng tiền sử dụng đất các loại và chỉ đạt 20,7%.

Nhưng có điều đáng chú ý là trong số 772 tỷ đồng thu được từ đấu giá đất thì có đến gần 450 tỷ đồng là tiền thu được từ đấu giá đất xen kẹt. Diện tích chỉ vỏn vẹn 2,5 ha. Có thể thấy đấu giá đất xen kẹt đang là hướng đi mang lại hiệu quả nhất tại thời điểm hiện nay.

* Có thực tế là các địa phương không mấy mặn mà với đấu giá đất xen kẹt, thủ tục hành chính cũng còn rườm rà?

Tôi cho rằng, hiện về mặt quy định thì không có gì vướng mắc lắm. Khó khăn lớn nhất là vấn đề thị trường. Theo quy định, quận huyện nếu tổ chức đấu giá khu đất dưới 5.000m2 thì sẽ được sử dụng 100% số tiền thu được. Với diện tích trên 5.000 m2, thành phố sẽ thu 70%, quận huyện sẽ được giữ lại 30%. Tôi nghĩ điều này cũng có tác động tốt để các địa phương thêm quyết tâm thực hiện.
Cảm ơn ông.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong