Đầu cơ đất phá hoại chính sách công nghiệp hóa

Cập nhật 24/10/2007 08:00

Với một tâm trạng bức xúc, tiến sĩ Trần Du Lịch (ảnh), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn TP.HCM, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP đã nói như trên trong buổi thảo luận tại tổ sáng ngày 23 - 10.....

Với một tâm trạng bức xúc, tiến sĩ Trần Du Lịch (ảnh), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn TP.HCM, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP đã nói như trên trong buổi thảo luận tại tổ sáng ngày 23 - 10. Trong giờ nghỉ giải lao, ông đã trả lời phỏng vấn của báo chí về chủ đề này.

* Ông đánh giá thế nào về tình hình giá cả trên thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội?

-Ảo. Hoàn toàn ảo. Hiện nay thị trường bất động sản tạo một sức cầu ảo do sự rất yếu kém trong sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết. Tôi ví dụ: những người đi mua chung cư không phải những người cần ở mà là mua để bán lại, mua nền nhà đất cũng là đầu cơ, còn những người thực sự có nhu cầu về nhà ở, đất ở không mua nổi.

* Theo ông, hiện nay Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp gì để điều chỉnh thị trường bất động sản?

- Tất cả cần được điều chỉnh bằng biện pháp tài chính. Phải dùng thuế thôi. Nổi lên hiện nay là hai bất cập của luật thuế. Ví dụ như Pháp lệnh về Thuế nhà đất (ban hành năm 1992 và sửa năm 1994) là đánh vào đất nhưng chưa đánh vào nhà; chưa kể chưa tính vào diện tích, chưa tính vào giá trị. Đáng lý ra một cái nhà giá trị 1 tỉ thì đánh thuế khác, nhà 3 tỉ đánh thuế khác.

Vấn đề đặt ra như các nước là mua cái nhà 3 tỉ, anh xem thu nhập của anh có đủ đóng thuế với cái nhà 3 tỉ hay không? Cũng giống như vấn đề mua xe hơi vậy, không phải vấn đề là tiền mua mà là sử dụng xe hơi khấu hao hằng năm mới là quan trọng. Hiện nay chúng ta không làm. Và bất cập ở chỗ: biệt thự diện tích 1.000m2, giá trị 2 - 3 triệu USD mà đóng thuế mỗi m2 có bằng 2 ký lúa mỗi năm, thì đấy là vấn đề.

Cái thứ hai, tôi nói từ rất lâu rồi, dự án được giao, xây dựng xong nhưng không quy định thời hạn hoàn thành dự án đó, thành ra nền nhà bỏ hoang. Người ta làm hạ tầng cứ mua đi bán lại nền nhà và cứ bỏ hoang, để đó chờ tăng giá. Cái này phải kiến nghị làm sao người mua cái nền nhà đó không kỳ vọng gì nó lên giá bằng cái thuế người ta phải đóng. Lúc đó người ta phải bán. Mọi người không đầu cơ thì lúc đó cung - cầu trở lại bình thường.

* Theo ông, cơn sốt ảo và giá đất ảo dẫn tới hậu quả tiêu cực như thế nào đến phát triển kinh tế?

- Chính sách về giá, hiện tượng đầu cơ phá hoại toàn bộ chính sách công nghiệp hóa của chúng ta. Bởi vì làm sao có thể mua nổi đất làm khu công nghiệp. Làm sao có đất để làm các công trình phục vụ du lịch, thương mại, làm đường? Làm sao đền bù nổi làm đường, làm trường học, làm bệnh viện? Và đặc biệt, làm sao hàng triệu triệu người không có nhà, không có đất mua được nhà đất?

* Có thể còn có một nguyên nhân về thủ tục hành chính không thưa ông, vì hiện nay có những dự án, xin thủ tục hành chính phải mất tới 5 - 7 năm. Thời điểm xin cấp dự án giá đất khác, đến khi được cấp giá lại khác?

- Quan điểm của tôi là phải sửa ngay quy định này: Nhà nước không đi giao dự án cho doanh nghiệp. Cái này chúng ta nói từ Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX, là Nhà nước quy hoạch, đầu tư hạ tầng, còn dự án thì Nhà nước đấu thầu, đấu giá dự án về giá và về thời gian xây dựng. Nếu làm vậy thì không ai đầu cơ được cả. Còn bây giờ, nếu chạy giành dự án rồi ôm đó, chờ đi tìm vốn, tìm nước ngoài... chính đầu cơ này nó đẩy giá lên cao.

* Có ý kiến cho rằng hiện Chính phủ và Quốc hội chỉ cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Luật Thuế sử dụng đất không thôi là giá sẽ giảm?

- Tôi cũng nghĩ như vậy. Hiện nay, chỉ cần 2 việc. Về biện pháp hành chính, Chính phủ chỉ cần yêu cầu tất cả những dự án đang giao, nếu chậm, áp dụng các biện pháp để thu hồi ngay, không ngoại lệ. Về tài chính, áp dụng chính sách đưa một vài điều khoản về thuế là giá xuống ngay.



ĐB Nguyễn Thị
Nguyệt Hường.

"Đầu cơ là chuyện không thể tránh khỏi trên thị trường. Nếu tôi có một khoản tiền, nếu dự tính được là mảnh đất này sẽ tăng giá, tôi có thể bỏ ra mua, đó là hoạt động đầu tư, là quyền tự do của tôi, không thể chống được. Điều mà chúng ta quan tâm và có lẽ đúng là phải chống đó là sự móc nối để đầu cơ giữa cá nhân và những người có quyền nắm giữ thông tin. Vì sao người dân bình thường phải trả giá cao hơn nhiều giá gốc khi mua nhà ở các dự án chung cư? Là bởi vì khi biết thông tin, đến mua thì đã "đăng ký hết rồi", "bán hết rồi"; và chỉ khi nào giá lên, có lời người đầu tư mới bán ra. Tôi nghĩ cần phải chống hiện tượng đầu cơ thao túng thị trường như thế này. Nhưng cũng không thể can thiệp hành chính được mà quan trọng nhất là phải công khai thông tin về nhà, đất dự án, ngay từ khâu quy hoạch. Thông tin minh bạch sẽ xóa được sự móc ngoặc giữa cá nhân và người nắm giữ thông tin. Về phía người tiêu dùng, khi có nhiều thông tin, họ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn và kết quả là điều tiết trên thị trường sẽ hợp lý hơn" - ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam).

Theo Thanh Niên