Trong khi thị trường đất nền tại Hà Nội vẫn còn khó khăn, thông tin Cầu Nhật Tân, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam chuẩn bị thông xe khiến thị trường đất nền khu vực Đông Anh xao động.
Thế nhưng theo nhìn nhận của một số đại diện môi giới, nhà đầu tư, đây chỉ là động thái đẩy giá của một số sàn môi giới và cò địa ốc để tháo chạy khỏi địa ốc Đông Anh.
|
Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2014, thông tin cầu Nhật Tân sẽ thông xe vào cuối năm 2014, rồi sau đó được điều chỉnh sang đầu năm 2015 được lan truyền, khiến nhà đất khu vực Đông Anh, nhất là khu vực đầu cầu Nhật Tân nhận được sự quan tâm với nhiều động thái quảng bá.
Cụ thể, giá đất Đông Anh được nhà môi giới chào hàng tăng nhẹ liên tục, khiến thị trường đất nền tại khu vực này giống như đang lên cơn sốt thực sự, nhưng những giao dịch trên thực tế hầu như không có.
Sự thực, theo một nhà đầu tư địa ốc có tiếng và được đánh giá là “ma xó” tại thị trường bất động sản khu vực phía Bắc Hà Nội, việc tăng giá đất tại Đông Anh là cả một câu chuyện được thu xếp tỉ mỉ của giới đầu cơ và các nhà môi giới địa phương nhằm thoát hàng tại khu vực đã trải qua một thời gian dài trượt dốc không phanh.
Trước đó, vào những năm 2008 - 2010 khi thị trường địa ốc Hà Nội còn sốt nóng, giá đất Đông Anh tăng “phi mã”. Tại một số địa phương, như: xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Ngọc Giang…, giá đất từ trên dưới 10 triệu đồng/m2 đã tăng lên trên 20 triệu, thậm chí có vị trí được nhà đầu cơ mua vào giá 70 - 80 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, từ giữa năm 2010, giá đất nền khu vực Sóc Sơn và Đông Anh giảm mạnh, giao dịch “đóng băng”, khiến nhiều nhà đầu cơ phải ôm khối tài sản bất động sản đến nay đã mất giá từ 50 - 70%. Vì thế, việc cây cầu Nhật Tân chuẩn bị thông xe, giới đầu cơ lại có lý do đẩy giá khi cho rằng, giá đất Đông Anh chỉ cách 1 cây cầu đã thấp hơn đất phía bên kia cầu từ 2 - 3 lần giá bán.
Đại diện một trung tâm môi giới địa ốc tại xã Hải Bối (Đông Anh) cho biết, từ giữa năm 2014 đến nay, giá đất khu vực đã tăng khoảng 10% và lượng sản phẩm được nhà đầu tư gửi gắm chào bán thì tăng đến mấy trăm phần trăm. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được giao dịch thành công theo đại diện này vẫn là một con số phải giữ bí mật!
Trên thực tế, theo tiết lộ của một nhà đầu tư địa ốc tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, từ gần 3 tháng nay, dù vật vã nhờ các nhà môi giới tại địa phương và cả cán bộ địa chính xã để bán cắt lỗ lô đất nằm ở gần UBND xã Hải Bối, đã mua từ 3 năm trước, với giá rẻ hơn giá thị trường, anh vẫn chưa thể bán được lô đất này.
Trong khi giới đầu cơ địa ốc Hà Nội mượn cây cầu Nhật Tân để đẩy giá đất nền tại đầu cầu phía Bắc, thì tại phía đầu cầu bên này, giá nhà đất vẫn bất động. Thậm chí, giá nhà liền kề, biệt thự tại dự án Ciputra, dù tiếp giáp với đầu cầu Nhật Tân phía trung tâm Hà Nội lại có xu hướng giảm.
Việc giảm giá bán này xuất hiện nhanh hơn khi đường vành đai 2, đoạn qua cầu Phú Thượng bị ngăn để xây dựng giải phân cách mới, khiến việc đi lại của cư dân Khu đô thị Ciputra gặp khá nhiều khó khăn.
Một đại diện sàn giao dịch Nhà đất 24h mới đây cho biết, hiện giá biệt thự Ciputra đã giảm khoảng 20 triệu đồng/m2 so với trước thời điểm đường vành đai 2 bị ngăn. Tuy nhiên, thanh khoản của các sản phẩm này vẫn gặp khó khăn vì giá trị quá lớn.
Cũng theo vị đại diện này, câu chuyện đất nền phía Bắc cầu Nhật Tân tăng giá, trong khi nhà biệt thự Khu đô thị Ciputra giảm mạnh giá bán một lần nữa cho thấy thị trường bất động sản vốn “ăn theo” và bị tác động mạnh bởi hệ thống hạ tầng.
Tuy nhiên, một yếu tố không thể không nói đến là tác động tâm lý và đây chính là dư địa để các cò ra chiêu lôi kéo những người tranh mua, tranh bán...
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản